Theo chuyên gia y tế, chúng ta không nên chỉ mải mê phòng chống dịch COVID-19 mà quên phòng các bệnh theo mùa, dễ dẫn đến nguy cơ “dịch chồng dịch”.
Hiện nay thời tiết đang chuyển sang mùa hè, khí hậu nóng ẩm tại khu vực miền Bắc và bắt đầu mùa mưa tại khu vực miền Trung, miền Nam, sự giao lưu đi lại của người dân tăng cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của một số người dân chưa cao là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển.TS.BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm phòng, chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cùng với dịch COVID-19, hiện chúng ta vẫn phải đối mặt với các dịch bệnh thường lưu hành hàng năm ở nước ta như sởi, quai bị, thủy đậu, rubella, tay chân miệng, sốt xuất huyết... Điều mà các chuyên gia y tế lo ngại là nguy cơ “dịch chồng dịch” nếu chúng ta chỉ mải mê chống COVID-19 mà quên đi cách phòng, chống dịch bệnh khác ở nước ta theo mùa.
BS Điền khuyến cáo, bên cạnh việc tích cực phòng chống và dập dịch COVID-19, cần phải lưu tâm đến phòng các dịch bệnh khác.
Cụ thể, với dịch sốt xuất huyết, đây là bệnh lưu hành hàng năm. BS Điền cho rằng, thống kê 4 năm 1 lần, ở miền Bắc, các ca bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng. Năm nay đúng với chu kỳ của dịch nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch phát triển. Cùng với đó là bệnh tay chân miệng cũng sẽ lưu hành. “Nếu chúng ta không tích cực phòng ngừa, dịch chân tay miệng có nguy cơ bùng phát vào mùa hè tới. Bên cạnh đó, dịch cúm mùa cũng thường trực rình rập, có độc lực mạnh vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân không được lơ là, kịp thời phát hiện các chủng cúm mới để ngăn chặn, dập dịch kịp thời”- BS Điền cho biết.Để chủ động phòng chống dịch ngay từ đầu mùa hè năm 2021 và không để “dịch chồng dịch”, ngày 01/4/2021 Bộ Y tế đã ban hành Công văn gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh mùa hè trên địa bàn.
Theo đó, Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế các địa phươngtriển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, cách ly, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.
Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.
Tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường dưới hình thức phù hợp với thực tế tại địa phương; chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và phát triển để phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Về công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè khác, Y tế cũng khuyến cáo người dân nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm, thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch, ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm.
(Nguồn: vov)