Cô gái này cùng một vài em khác được một nhóm người dẫn từ TP.HCM lên Tây Ninh rồi băng qua một cánh đồng, vượt biên sang Campuchia.
Ngày 20/6, đại diện Công an quận Bình Thạnh (TPHCM) xác nhận em N.T.T.N (16 tuổi, quê Phú Yên) đã về nhà sau nhiều ngày mất tích. Theo thông tin ban đầu, em N. về nhà vào tối 19/6 và đã đi cùng người thân ra nhà chị gái ở tỉnh Quảng Bình vào trưa nay (20/6).
Hai tuần tìm kiếm con gái
"Con gái tôi được cảnh sát tìm thấy ở Campuchia, sau đó dẫn qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) rồi đưa về TP.HCM bàn giao cho gia đình", ông Nguyễn Văn Hương (53 tuổi, quê Phú Yên), chia sẻ với Zing sáng 21/6.
Trước đó vào chiều 5/6, em N.T.T.N đi xe khách từ thị xã Sông Cầu (Phú Yên) vào TPHCM làm việc theo sự hướng dẫn của một người quen trên mạng xã hội. Sau khi đến một bãi xe ở địa bàn quận Bình Thạnh (TPHCM), thiếu nữ này gọi điện thoại báo gia đình rồi mất liên lạc trong nhiều ngày. N. được một phụ nữ đến đón tại bãi xe số 537 Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) rồi đưa về một căn nhà. Nơi này có khoảng 5 người con gái khác, trên dưới 20 tuổi.
Ngày hôm sau, có khoảng 3 người chở Ngọc cùng các cô gái còn lại lên Tây Ninh rồi băng qua một cánh đồng lúa để vượt biên vào đất Campuchia.
Khi đến bên kia biên giới, cả nhóm được nhốt vào một phòng riêng khoảng 20 m2, có người canh gác ngày đêm và họ không được sử dụng điện thoại.
Sau khi thông tin ông Nguyễn Văn Hương (cha ruột của N.) vào TPHCM tìm con được lan truyền rộng rãi, gia đình ông đã nhận được một số cuộc điện thoại, trong đó có thông tin thiếu nữ 16 tuổi đang ở Campuchia, ngoài ra có người gọi điện thoại nặc danh yêu cầu đòi tiền chuộc 70 triệu đồng.
“Thời điểm Ngọc gọi điện về gia đình là có người giám sát bên cạnh. Con gái kể là phải nói những gì nhóm người canh gác đã hướng dẫn trước đó, nếu làm trái sẽ bị đánh đập, bỏ đói”, ông Hương chia sẻ.
"Chỉ một mình Ngọc được thả, các cô gái còn lại đang bị bắt nhốt bên đó, chưa biết đang trong tình trạng thế nào”, ông Hương nói.
Cha của N. cho biết trong thời gian sống ở Campuchia, con gái bị bắt nhốt nhưng không bị đánh đập hay xâm hại. N. trở về nhà an toàn, thân thể lành lặn, tâm lý ổn định. Sau khi về nhà, N. được gia đình đưa ra nhà chị gái ở Quảng Bình chơi một thời gian, sau đó sẽ về nhà đi học.
Lời cảnh báo cho các cô gái cả tin
Theo lời kể của N., em bị nhốt cùng một số cô gái nữa. Khi vụ việc trở nên ầm ĩ, N. được thả ra nhưng không rõ số phận những bạn bị nhốt cùng ra sao.
Tình trạng mua bán người bao gồm cả nam và nữ đã diễn ra nhiều năm qua. Qua các mạng xã hội, ứng dụng trò chuyện như Facebook, Instagram, Skype hay các ứng dụng hẹn hò như Tinder, các đối tượng người nước ngoài sẽ kết bạn, làm quen các cô gái theo cách rất hiểu tâm lý phụ nữ. Các đốii tượng này cũng đặc biệt chú ý đến các em nhỏ có nhu cầu tìm việc làm kiếm tiền để dụ dỗ gặp mặt và giới thiệu việc làm.
Đối tượng lợi dụng các đường mòn biên giới, sự kém hiểu biết, thiếu thông tin của nạn nhân hoặc sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường, hoàn cảnh gia đình, kinh tế khó khăn và thông qua các trang mạng xã hội hoặc những mối quan hệ sẵn có để tiếp cận, rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân với lời hứa hẹn mua bán hàng hóa, thăm thân nhân, thăm quan du lịch, đi chữa bệnh... và tìm giúp việc nhẹ nhàng, thu nhập cao để mua bán trong nước và ra nước ngoài.
Các đối tượng phạm tội hành vi mua bán người hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt có tính chất nghiêm trọng để lừa bán nạn nhân sang các quốc gia, trong đó nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc, Lào và Campuchia hay các nước khác thông qua đường hàng không và đường biển.
Hầu hết các nạn nhân bị mua bán trở về bị tổn thương nặng nề về sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần. Sức khỏe giảm sút do bị ép buộc lao động làm việc quá sức, bị đánh đập, tra tấn, bị giam giữ, bị bóc lột tình dục, bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác. Tinh thần hoảng loạn, không ổn định do sợ hãi, bị đe dọa, bị đưa đi bán lại nhiều lần, thậm chí có một vài trường hợp bị xâm hại cả tính mạng. Không chỉ nạn nhân mà ngay cả gia đình, người thân cũng chịu nhiều hậu quả của tội phạm mua bán người.
Người dân cũng cần tự trang bị kiến thức cho bản thân về phòng, chống buôn bán người để tránh bị sa vào bẫy những kẻ buôn người. Ngoài ra cần phải thường xuyên cảnh báo con em trong gia đình, nhất là các em nhỏ, các em ở độ tuổi chưa trưởng thành...không thực hiện theo những yêu cầu, lời giới thiệu của những người chỉ quen biết trên mạng xã hội.
(Nguồn: Phụ nữ mới)