Cước vận chuyển container tăng không tưởng, thị trường hỗn loạn

Diệu Hoa |

Cước vận chuyển container tăng phi mã hết tuần này sang tuần khác và trở thành cơn ác mộng với nhà xuất, nhập khẩu toàn cầu.

Các dữ liệu thống kê mới đây cho thấy chi phí để vận chuyển 1 container hàng hóa 67,7 m3 từ Trung Quốc tới bờ Đông nước Mỹ đã chạm mức kỷ lục trên 20.804 USD, tăng hơn 500% so với một năm trước. Hôm 27/7, con số này còn chưa tới 11.000 USD.

Giá vận chuyển container từ Trung Quốc tới bờ Tây nước Mỹ thấp hơn một chút, dưới 20.000 USD. Nếu đổi sang hành trình từ Trung Quốc tới châu Âu, mức phí là gần 14.000 USD.

Các container tại cảng Yangshan ở Thượng Hải, Trung Quốc tháng 8/2019. (Ảnh: Reuters)
Các container tại cảng Yangshan ở Thượng Hải, Trung Quốc tháng 8/2019. (Ảnh: Reuters)

Doanh nghiệp khóc ròng, hãng vận tải biển hả hê

Tại Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới nhiều tháng qua, các chủ hàng phải trả mức cước trên 10.000 USD cho mỗi container. Nguyên nhân xuất phát từ hàng loạt khó khăn trong thị trường vận tải biển, bao gồm các khoản phụ phí khổng lồ mà nhà xuất, nhập khẩu hàng phải trả để đảm bảo hàng được giao đúng hạn, chất lượng.

Giá container tăng cao vì nguồn cung các "hộp thép" 70 m3, 32,6 m3 đang vượt quá cầu. Đợt tắc nghẽn ở kênh đào Suez hồi cuối tháng 3 khiến các chủ hàng phải cắn răng trả chi phí cao hơn cho mỗi thùng container. Trong khi đó, các hãng vận tải biển lại đang hưởng lợi nhờ lợi nhuận cao ngất ngưởng.

Báo cáo tài chính trong quý 1 của Cosco cho thấy sau 3 tháng đầu năm, lợi nhuận của hãng tàu này tăng 26 lần so cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,71 tỷ USD. Số tiền thu được từ việc vận chuyển container của Cosco tăng tới 82% (tương đương 9,67 tỷ USD).

Cổ phiếu của AP Moller-Maersk A / S - hãng vận tải container số 1 thế giới - đạt mức cao kỷ lục hồi cuối tháng 5.

"Những khó khăn về chi phí trong chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hóa tiếp tục xấu đi. Điều này ảnh hưởng tới lợi nhuận của chúng tôi trong suốt năm nay", Michael O'Sullivan, CEO công ty bán lẻ Burlington Stores tại New Jersey (Mỹ) nói.

Thị trường khan hiếm, hỗn loạn

Đơn đặt hàng của các nhà bán lẻ tăng lên trước mùa mua sắm cao điểm ở Mỹ đang gây thêm căng thẳng cho chuỗi cung ứng cầu. Trong khi đó, sự lây lan chóng mặt của biến thể Delta lại làm chậm tốc độ luân chuyển các container trên khắp tuyến huyết mạch.

Đợt mưa bão tấn công phía nam Trung Quốc hồi cuối tháng 7 cũng góp phần thêm vào cuộc khủng hoảng này.

"Thị trường vận chuyển container đang khan hiếm, hỗn loạn, trong đó các công ty vận tải có thể tính phí gấp 4-10 lần giá bình thường cho việc vận chuyển hàng hóa", Philip Damas - Giám đốc điều hành của công ty tư vấn hàng hải Drewry - cho biết.

Theo Philip, đây là điều ông chưa từng thấy trong 30 năm qua. Chuyên gia này dự đoán "mức giá cực đoan" sẽ kéo dài cho tới tận Tết Nguyên đán năm 2022. Robert Khachatryan, người sáng lập Freight Right Global Logistics thậm chí còn bi quan hơn khi cho rằng tình trạng này sẽ không khá khẩm hơn cho tới tận giữa năm sau.

Các chuyên gia dự đoán mức giá cực đoan có thể kéo dài tới Tết Nguyên đán 2022. (Ảnh: Trans.info)
Các chuyên gia dự đoán mức giá cực đoan có thể kéo dài tới Tết Nguyên đán 2022. (Ảnh: Trans.info)

Sanne Manders - Giám đốc điều hành của Flexport,  một công ty giao nhận hàng hóa có trụ sở tại San Francisco - lưu ý, ở thời điểm hiện tai, thời gian di chuyển của một tàu chở hàng từ Thượng Hải tới Chicago qua cảng Los Angeles đã tăng gấp đôi từ 35 ngày lên 73 ngày. Điều này đồng nghĩa mất 146 ngày để một container trở lại điểm xuất phát bốc dỡ hàng mới. Điều này làm giảm 50% công suất vận chuyển.

Chưa kể lũ lụt ở châu Âu tàn phá nặng nề các nhà máy và dịch vụ sà lan trên các con sông, việc phong tỏa toàn quốc gây ra tình trạng ứ đọng ở các cảng tại Malaysia, tình trạng bất ổn dân sự ở Nam Phi buộc các bến tàu ở thành phố cảng Durban phải đóng cửa.

Theo Ding Li, Chủ tịch Hiệp hội cảng của Trung Quốc, mức tăng đột biến của giá vận chuyển container là hệ quả từ các đợt bùng phát COVID-19 trở lại ở một số nước.

Giá container tăng cao dẫn tới giá thuê tàu chở container cũng tăng theo. Điều này khiến các hãng tàu ưu tiên cho những tuyến vận chuyển sinh lời nhất. Theo Philip, một số chủ hàng đã phải giảm khối lượng hàng hóa ở các tuyến đường ít sinh lời hơn, như tuyến xuyên Đại Tây Dương và nội Á.

Sự gia tăng hiện tại phần nào phản ánh sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng kể từ khi COVID-19 hãm đà phát triển của nền kinh tế toàn cầu vào đầu năm 2020 và gây ra những thay đổi lớn đối với dòng chảy hàng hóa, thiết bị chăm sóc sức khỏe trên khắp thế giới.

"Mỗi khi bạn nghĩ có thể một trạng thái cân bằng sắp được thiết lập thì một thứ gì đó lại xảy ra khiến chi phí vận chuyển leo thang. Đang có những tính toán để tăng năng lực vận chuyển lên gấp gần 20 lần công suất hiện có, nhưng điều này sẽ chỉ bắt đầu có tác dụng vào năm 2023. Vì vậy, có thể sẽ không thể thấy nguồn cung tăng mạnh trong vòng 2 năm tới", Jason Chiang, Giám đốc tại Ocean Shipping Consultants cho biết.

Tranh thủ ép giá

Nỗi đau với các chủ hàng có thể sẽ tăng thêm khi mùa cao điểm bắt đầu và các hãng vận tải bắt đầu tính phí tắc nghẽn cùng một số phụ phí khác.

Một tàu container hướng đến cảng Houston. (Ảnh: Jim Allen / FreightWaves)
Một tàu container hướng đến cảng Houston. (Ảnh: Jim Allen / FreightWaves)

Hãng vận tải container Hapag-Lloyd cho biết sẽ áp dụng mức phụ phí 5.000 USD cho mỗi container 32,6 m3 với một số chuyến hàng xuyên Thái Bình Dương, bắt đầu từ giữa tháng 8. Các hãng vận tải khác cũng đang chính thức hóa nhiều khoản phí tương tự.

"Tại một số thời điểm, một số doanh nghiệp đang bị ép giá", Judah Levine, trưởng nhóm nghiên cứu tại Freightos nói.

Một số công ty sản xuất đồ điện tử và thời trang sẵn sàng trả mọi thứ để chuyển số hàng tồn kho mắc kẹt. Nhưng cũng có những người rút lui do không thể còng lưng gánh mức phí vận chuyển "trên trời", điển hình là các nhà nhập khẩu hàng hóa có giá trị thấp như đồ nội thất lắp ráp bằng gỗ.  

"Nếu giá trị hàng hóa bên trong container là 30.000 USD và bạn phải trả 11.000 USD để di chuyển thùng hàng, bạn sẽ gặp vấn đề lớn", Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Xenata Peter Berglund cho hay.

Dù vậy, các chuyên gia mô tả cuộc chiến giành giật container đang điên cuồng và khốc liệt chẳng khác nào thị trường chứng khoán.

Các công ty đứng ra tổ chức tiếp nhận và luân chuyển hàng cho biết nhân lực của họ phải làm việc ngày đêm để xác nhận đơn hàng với khách hàng Mỹ khi "đầu cầu" ở châu Á đang phân bổ container. Họ khuyến khích khách hàng đặt chỗ ngay khi các nhà cung cấp dịch vụ thông báo có chỗ trống vì các "lốt" thường được lấp kín trong vòng chưa đầy 1 giờ.

"Nếu bạn đắn đo, cơ hội sẽ biến mất. Tất cả các chủ hàng đều nhìn thấy điều này và năm sau họ sẽ bắt đầu đặt hàng sớm hơn. Đó là do tại sao chúng tôi không nghĩ sẽ có sự suy giảm trong năm tới", Robert Khachatryan, nhà sáng lập Freight Right Global Logistics khẳng định.

(Nguồn: VTC News)

Bệnh nhân COVID-19 tử vong nhiều, một nhà xác Thái Lan buộc phải dùng container đông lạnh

Trung Hiếu |

Khi khủng hoảng Covid-19 ngày càng nặng ở Thái Lan, một nhà xác bệnh viện tại đây đã buộc phải dùng đến container đông lạnh để bảo quản các thi thể bệnh nhân tử vong do đại dịch này.

Nhà xác quá tải, Thái Lan phải dùng container đông lạnh chứa thi thể nạn nhân COVID-19

Hải Vân |

Một nhà xác bệnh viện ở Thái Lan đã quá tải sau khi ghi nhận hàng loạt ca tử vong vì COVID-19. Không còn chỗ trống, họ buộc phải bảo quản thi thể nạn nhân trong các container đông lạnh.

Quảng Trị: Test nhanh hơn 150 lượt tài xế xe tải, xe container mỗi ngày khi lưu thông vào địa bàn tỉnh

Minh Châu - Quốc Nhật |

Theo thông tin từ các chốt kiểm tra y tế trên tuyến quốc Lộ 1A, trung bình mỗi ngày các đơn vị y tế tại các chốt đã tiến hành test nhanh Covid - 19 cho hơn 150 lượt người là tài xế các xe tải, xe container lưu thông vào địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Đường sắt khai trương đoàn tàu container đầu tiên từ Việt Nam sang Bỉ

Quang Toàn |

Tàu xuất phát từ ga Yên Viên (Việt Nam), điểm đến là thành phố Liege (Bỉ). Sau đó, tiếp chuyển container bằng đường bộ đến điểm đích là thành phố Rotterdam (Hà Lan).