Đằng sau việc cá nhân ca sỹ Thủy Tiên đứng lên kêu gọi cộng đồng cùng chung tay cứu trợ người dân miền Trung, không phải là con số hơn 100 tỷ đồng mà ở đây là câu chuyện của lòng tin.
Hơn 100 tỷ đồng là con số cá nhân ca sỹ Thủy Tiên kêu gọi được từ các nhà hảo tâm cho chuyến cứu trợ đồng bào miền Trung. Cô đã tự mình lăn lộn với người dân đang phải gồng mình gánh hậu quả của cơn cuồng phong bão lũ. Và, còn rất nhiều cá nhân khác cũng đã lên đường…
Hành động đẹp đến từ những cá nhân trong xã hội, không nhân danh ai, chẳng vì điều gì. Vậy tại sao một cá nhân đứng lên kêu gọi gần như ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng?
Đằng sau đó không phải là việc bao nhiêu tiền, bao nhiêu món quà đã đến tận tay người dân đúng địa chỉ, đúng người kịp lúc khốn khó nhất, mà là câu chuyện lòng tin!
Về vấn đề này, đại biểu Dương Trung Quốc đã có cuộc trao đổi bên lề kỳ họp thứ X, kỳ Quốc hội khóa XIV, sáng nay, ngày 22/10. Ông cho rằng “phải có cơ chế để lòng tin của người dân được phát huy một cách tích cực.” Bởi Nghị định 64/2008/NĐ-CP (về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng…) không quy định cho những cá nhân như trường hợp ca sỹ Thủy Tiên được vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ...
- Theo ông, vì sao cộng đồng lại hưởng ứng và quyên góp số tiền lớn như vậy cho một cá nhân là cô ca sỹ Thủy Tiên?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Đứng về mặt quản lý nhà nước Nghị định 64/2008/NĐ-CP hoàn toàn đúng vì nó đảm bảo sự chia sẻ công bằng, chính xác...
Nhưng điều đáng tiếc là nhiều người đã suy giảm niềm tin sau một số trường hợp người cần giúp đỡ không nhận được đúng những gì họ cần. Thậm chí, nhiều chuyến cứu trợ do những người có chức danh, nhân danh tổ chức thực hiện cũng bị lạm dụng... Đó chính là nguyên nhân cơ bản.
Theo tôi, đừng áp đặt, vì lòng tin không thể có từ sự áp đặt mà phải xuất phát từ sự tự nguyện. Tôi lấy câu chuyện ca sỹ Thủy Tiên đi cứu trợ làm chứng. Sự nhiệt tình thì ai cũng thấy rõ, cô ấy rất lăn lộn dù biết có thể sẽ gặp phải nhiều rủi ro nhưng vì các nhà hảo tâm, những người đã gửi gắm tiền và nhất là đã trao niềm tin để cô ấy đưa quà đến tận tay người dân. Do đó, trong trường hợp này cô ấy đã làm đúng chức năng chứ không thể ủy thác cho ai.
Chính vì thế, chúng ta phải có cơ chế để đảm bảo lòng tin, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động vận động, tiếp nhận và phân phối cứu trợ; hỗ trợ những người đi làm từ thiện có thể phát huy được tốt nhất công việc của họ.
- Đứng trên phương diện cá nhân, ông nhìn nhận sao sao về việc những người có tiếng nói trong xã hội kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng và làm từ thiện?
Tôi nghĩ đây là quyền của họ. Vấn đề là nhà nước giám sát thế nào. Nếu ai lợi dụng thì chúng ta có chế tài xử phạt những người lừa đảo trên nỗi đau khổ của người khác nhưng đồng thời cũng cần khuyến khích người có năng lực, điều kiện đóng góp cho xã hội. Vấn đề là họ tổ chức cứu trợ, tổ chức làm thiện nguyện như thế nào.
Những người tốt bụng như cô Thủy Tiên, tôi rất mong có được người hỗ trợ hiệu quả, song phải đáp ứng được yêu cầu của những người đóng góp cho cô ấy. Tôi nghĩ phía Nhà nước cũng cần quan tâm tới điều này.
- Đúng như đại biểu vừa nói, chúng ta đã có quy định để quy về một mối các hoạt động cứu trợ… Theo đại biểu, nhiều cá nhân tham gia làm thiện nguyện cứu trợ như vậy có phải là việc cần phải khuyến khích?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Tôi cho rằng “lá lành đùm lá rách” đã thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc và đặc biệt cứ việc gì có vai trò của nhân dân là thành công. Các cuộc chiến tranh của ta chẳng phải cũng dựa vào nhân dân mà chiến thắng đó hay sao?
Vì thế tại sao chúng ta không nghĩ đến chuyện người dân tham gia là tốt. Vấn đề là nếu khéo tổ chức thì lòng tốt ấy được đáp ứng bằng hiệu quả cụ thể. Bởi tôi cũng thấy không ít trường hợp lòng tốt bị lợi dụng chứ không phải chỉ là những kẻ cố tình lừa đảo, những người có lòng tham...
Có những người, do hoàn cảnh họ được tiếp cận với nhiều nguồn tài trợ hơn thì cũng khó bao quát hết được. Vì thế, vai trò của chính quyền rất quan trọng, nhưng chính quyền phải có được niềm tin của người dân và phải chủ động trong việc tập hợp, tổ chức lực lượng.
Chúng ta có cả một hệ thống các tổ chức xã hội, các tổ chức chính trị do đó cần phát huy ngay từ đầu. Bởi một trong những giải pháp để thành công là làm ngay tại, chỗ tức là chính người dân đùm bọc nhau.
Cho nên, sự đùm bọc của người dân theo tôi là quan trọng nhất. Đùm bọc trên cơ sở đạo lý xã hội là một chuyện nhưng quan trọng hơn là cơ chế của nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Theo Điều 5 của nghị định Nghị định 64/2008/NĐ-CP, chỉ có ba nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ. Gồm có:
1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định.
3. Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
Cũng theo Điều 5, Chính phủ nhấn mạnh: Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Cùng với đó, Thông tư hướng dẫn số 72/2008 của Bộ Tài chính còn đề ra thêm hạn chế ngặt nghèo hơn so với Nghị định 64/2008. Theo thông tư này báo, đài chỉ được tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước chứ không được tổ chức phân phối tiền, hàng cứu trợ đó (trừ những khoản tiền hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo địa chỉ cụ thể).
(Nguồn: Vietnam+)