Điểm chuẩn đại học 2020 tăng vọt vì lý do gì?

Thanh Mai |

Một số ý kiến cho rằng điểm chuẩn đại học năm nay tăng vọt xuất phát từ nguyên nhân dịch bệnh Covid-19 kéo dài, đề thi giảm về độ khó.

Các trường đại học (ĐH) đã đồng loạt công bố điểm chuẩn đại học năm 2020, nhìn chung mặt bằng điểm chuẩn đều cao hơn năm 2019. Đặc biệt có nhiều trường điểm chuẩn tăng mạnh, gần với mức tối đa 30/30. Những thí sinh có điểm cộng ưu tiên và đạt mỗi môn 9 điểm vẫn chưa có “vé” vào trường.

 

Tại ĐH Ngoại thương, điểm chuẩn nhóm ngành Kinh tế, kinh tế quốc tế cũng tăng lên 28 điểm, cao hơn 1,8 điểm so với năm ngoái. Các nhóm ngành như Tài chính – Ngân hàng, Kế toán, Luật, điểm chuẩn đều tăng lên gần 2 điểm.

Điểm chuẩn ĐH Thương Mại năm nay cũng dao động ở mức từ 24 đến trên 26 điểm, hầu hết các ngành đều tăng, có ngành tăng đến gần 3 điểm. ĐH Bách Khoa Hà Nội có điểm chuẩn nhóm ngành Công nghệ thông tin cũng xấp xỉ chạm trần với 29,04  điểm, tăng hơn 2 điểm so với năm 2019. Ngành Hàn Quốc học – ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) đạt kỷ lục với điểm chuẩn 30/30. Như vậy, tính trung bình cả điểm cộng ưu tiên, thí sinh phải đạt mỗi môn 10 điểm mới trúng tuyển.

GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho rằng, việc điểm chuẩn tăng cao đã được dự đoán từ trước. Nguyên nhân là vì dịch Covid-19, đề thi đã được lược bớt, giảm nhẹ về độ khó, phù hợp với điều kiện dạy và học trong thời kỳ dịch bệnh và mục đích xét tốt nghiệp.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cũng cho biết, đề thi THPT năm nay cũng nhẹ nhàng hơn năm 2019, do đó, điểm thi sẽ cao hơn, dẫn đến điểm chuẩn tăng theo. Với tình hình như hiện tại thì ngay cả được 27 điểm cũng phải đặt từ 10 nguyện vong trở lên mới có hy vọng đậu. 

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT cho rằng, điểm chuẩn đại học năm nay tăng vọt so với những năm trước xuất phát từ nguyên nhân dịch bệnh Covid-19 kéo dài, đề thi giảm về độ khó. Hơn nữa còn do các trường được quyền tự chủ tuyển sinh, nên sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, dẫn đến chỉ tiêu giảm..

Theo TS Tùng, phổ điểm thi các môn cũng cao hơn 2019 từ 1 - 2 điểm, phổ điểm trung bình các khối cao hơn 20% vì vậy điểm trúng tuyển cao hơn cũng là điều hiển nhiên. Một số ngành năm 2019 có điểm chuẩn là 21, năm nay sẽ ở mức 24, 25 điểm, những ngành năm trước 24 điểm, năm nay sẽ tăng lên 27, 28 điểm. Những thí sinh năm nay thi đạt 26 điểm, cũng chỉ tương đương 21, 22 năm 2019. Nhiều thí sinh có phần chủ quan, tính lệch điểm chuẩn nên bị trượt. Thí sinh cần theo dõi, căn cứ vào ngành nghề yêu thích và nhu cầu tuyển của các trường để đăng ký xét tuyển đợt 2. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định từ  6/10, thí sinh trúng tuyển đợt một vào các trường đại học sẽ phải làm thủ tục xác nhận nhập học vào các trường đại học đã trúng tuyển. Thời gian xác nhận nhập học đến trước 17 giờ ngày 10/10, tính theo dấu bưu điện.

Việc xét tuyển đợt tiếp theo có thể được các trường thực hiện một lần hay nhiều lần căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học tại trường sau xét tuyển đợt 1 (kể cả số thí sinh được xét tuyển thẳng và số học sinh dự bị của trường; học sinh các trường dự bị đại học được giao về trường). Tuy nhiên, điểm nhận hồ sơ xét tuyển các đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1.

(Nguồn: Phụ nữ mới)

TAGS

Hiệu trưởng nhiều trường đại học dự kiến điểm chuẩn năm 2020 sẽ tăng

PV |

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Hải Phòng dự đoán, điểm chuẩn năm nay khối y, dược có tăng nhưng biến động không nhiều.

Đề thi Văn và Toán không khó, dự báo điểm chuẩn đại học tăng

Đặng Chung |

Ngày 9.8, gần 900.000 thí sinh cả nước đã kết thúc ngày thi đầu tiên của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Theo nhận định của các giáo viên, đề thi môn Văn và Toán năm nay vừa sức với thí sinh, phù hợp với mục tiêu xét tốt công nhận tốt nghiệp. Với đề thi này, dự báo điểm chuẩn vào đại học năm 2020 sẽ tăng.