Theo các chuyên gia nhận định, cơn bão này có hướng đi và vị trí đổ bộ thấp hơn so với bão số 9.
Ngày 29/10, tại cuộc họp ứng phó mưa lũ, ông Hoàng Phúc Lâm - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết lúc 4h sáng nay, bão đang ở kinh tuyến 137, cách biển Đông gần 2.000km. Khoảng sáng 1/11, bão có thể vào Biển Đông thành bão số 10.
Theo dự báo, bão Goni có thể ảnh hưởng Trung Bộ vào tuần sau tuy nhiên từ 30/10, không khí lạnh đang di chuyển xuống khá mạnh nên khi bão vào gần Biển Đông sẽ có tương tác gây ra diễn biến phức tạp. Dự báo cho thấy khi vào Biển Đông, bão có xu hướng chuyển lên phía Bắc, vì vậy mưa ở Trung Bộ trong nửa đầu tháng 11 còn phức tạp.
Đài khí tượng Nhật Bản cho biết đường đi của bão theo hướng tây nam từ vị trí hình thành sau đó đổi sang tây bắc khi vào Biển Đông và hướng vào các tỉnh miền Trung.
Mô hình dự báo của Hải quân Hoa Kỳ cho thấy đỉnh điểm cơn bão này có thể đạt mức Cat.3 theo thang bão Saffir-Simpson với sức gió có thể đạt gần 200km/h vào ngày 31-10 ở gần Philippines. Tuy nhiên có thể giảm cấp khi vào Biển Đông.
Các chuyên gia cho rằng cơn bão này có hướng đi và vị trí đổ bộ thấp hơn so với bão số 9, nguyên nhân là do không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống áp chế khiến vùng biển nó đi qua bị khô lạnh và giảm dần năng lượng. Nếu đi vào đất liền có thể đổ bộ tại khu vực từ Phú Yên đến Nha Trang với cấp gió khoảng cấp 7-8 (50 - 75km/h).
Cùng thời điểm áp thấp nhiệt đới trên mạnh lên thành bão số 10, trên khu vực Thái Bình Dương sẽ xuất hiện thêm một số vùng thấp, trong đó một vùng sẽ mạnh lên thành bão nhưng hướng di chuyển có xu hướng vào khu vực Đài Loan.
(Nguồn: Phụ nữ mới)