Năm học 2022 - 2023 là năm thứ 3 ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, 7 và 10, vì vậy, các lớp này đều phải học sách giáo khoa (SGK) mới biên soạn. Tuy nhiên, hiện tại giá SGK tăng gấp 2 - 3 lần so với sách của chương trình cũ, khiến không ít người băn khoăn, lo lắng.
UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt danh mục SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại tỉnh bắt đầu từ năm học 2022 - 2023. Theo đó, các bộ SGK của các lớp này đều có số đầu sách nhiều hơn so với sách của chương trình cũ. Các bộ sách mới có thiết kế, in ấn công phu, chất lượng giấy tốt hơn nên giá cả cũng tăng lên đáng kể. Ngoài ra, thêm một yếu tố nữa góp phần làm giá sách tăng cao là sách được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, không được trợ cấp một phần như sách cũ.
Qua khảo sát cho thấy, việc SGK phục vụ chương trình giáo dục mới tăng giá cao khiến nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn có con em đi học lo âu. Chị Lê Thị Ngân ở Phường 4, TP. Đông Hà cho biết, vợ chồng chị là lao động tự do, công việc bấp bênh, 2 năm qua lại bị ảnh hưởng COVID-19 nên kinh tế gia đình càng khó khăn hơn. Hai con chị năm học tới lên lớp 7 và lớp 10 đều học chương trình mới. Bên cạnh chuẩn bị các khoản nộp đầu năm học và các chi phí học tập khác thì việc mua SGK, sách nâng cao, sách bổ trợ kiến thức cho các con cũng là nỗi băn khoăn lớn của gia đình. Chị Ngân bộc bạch, qua tham khảo thấy giá SGK năm học tới cao gấp mấy lần so với sách của chương trình cũ. Tuy nhiên, dù khó khăn đến mấy, gia đình chị cũng cố gắng mua sắm đầy đủ cho con đến trường, đặc biệt là mua đủ bộ SGK.
Giá SGK phục vụ năm học 2022 - 2023 đã được niêm yết công khai. Thực tế giá SGK tăng cao trong bối cảnh thu nhập của nhiều gia đình gặp khó khăn như hiện nay thực sự là gánh nặng cho phụ huynh. Một bộ sách lớp 3 chương trình cũ giá 58.000 đồng, trong khi bộ mới có giá hơn 180.000 đồng, cao gấp 3 lần. Tuy nhiên, mức giá này của bộ mới chưa bao gồm sách Tiếng Anh, loại sách thường có giá đắt nhất. Do Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc với lớp 3 từ năm học 2022 - 2023, nên phụ huynh sẽ phải chi thêm tiền để mua sách Tiếng Anh cho con em học tập. Vì vậy, tổng giá tiền đầy đủ của một bộ sách lớp 3 mới có thể hơn 250.000 đồng. Tương tự, bộ sách lớp 7 chương trình cũ giá 134.000 đồng, bộ sách mới của năm học 2022 - 2023 có giá hơn 200.000 đồng.
Nếu tính cả sách tiếng Anh (chưa công bố giá), số tiền một bộ sách đầy đủ có thể cao hơn 2 lần so với sách cũ. Với lớp 10, trong khi giá bộ sách cũ là 164.000 đồng thì giá một bộ mới là hơn 300.000 đồng. Nếu tính cả sách tiếng Anh, bài tập tiếng Anh, dụng cụ học tập thì phụ huynh sẽ phải chi trả khoảng hơn 500.000 đồng cho việc mua đủ sách, đồ dùng học tập của một học sinh. Ngoài ra, nếu học sinh nào có nhu cầu mua thêm sách nâng cao và sách bổ trợ kiến thức thì giá tiền đầy đủ của mỗi bộ sách còn cao hơn.
Với giá SGK cao như vậy thì đối với nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Hướng Hóa và Đakrông việc mua sắm đầu năm cho con em đi học thực sự là vấn đề nan giải. Hiệu trưởng Trường Tiểu học &THCS Hướng Việt, huyện Hướng Hóa Nguyễn Văn Tý cho biết, hầu hết học sinh của trường là con em người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên cứ mỗi đầu năm học, cán bộ, giáo viên nhà trường phải tranh thủ mọi hỗ trợ từ các cá nhân, tập thể hảo tâm nhằm có đủ dụng cụ học tập, cặp sách… đặc biệt là SGK cho học sinh. Kể từ khi Chương trình GDPT 2018 được thực hiện từ năm 2020, học sinh lớp 1, lớp 2 của trường nhận được hỗ trợ SGK từ Đài phát thanh và Truyền hình Quảng Trị. Kết thúc năm học, học sinh trả sách cho thư viện để nhà trường tiếp tục cho các lớp sau mượn học. Với năm học 2022 - 2023, nhà trường đang rất lo lắng vì chưa tìm được nguồn hỗ trợ SGK mới cho gần 60 học sinh lớp 3 và 7.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ cho biết, thực hiện chương trình giáo dục mới, bên cạnh sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là sự vận động của toàn xã hội dành cho giáo dục, huyện cũng đã nỗ lực trong việc chuẩn bị về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường phục vụ đổi mới giáo dục. Hiện tại trên địa bàn huyện có hơn 18.600 học sinh tiểu học và THCS, trong đó có hơn 10.000 học sinh lớp 1,2, 3, 6 và 7, những học sinh phải mua SGK theo chương trình mới.
Nhiều gia đình nông dân trên địa bàn thực sự đang gặp khó khăn về kinh tế để cùng lúc chi phí các khoản cho năm học mới, đặc biệt là mua SGK cho con em. Vì vậy, Phòng GD&ĐT, các trường đang cố gắng thực hiện tốt công tác xã hội hóa, tranh thủ các nguồn lực để hỗ trợ SGK, đồ dùng học tập cho học sinh; xây dựng tủ SGK dùng chung trong trường học nhằm đảm bảo học sinh có đủ SGK để học; phát động phong trào quyên góp, khuyến khích học sinh giữ gìn, bảo quản và sử dụng lại SGK.
Trước những khó khăn này, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị Lê Thị Hương cho biết, đã yêu cầu các trường thống kê cụ thể những trang thiết bị cần được đầu tư để có phương án trang cấp kịp thời; bố trí một phần kinh phí mua SGK cho các thư viện để học sinh có thể mượn sử dụng; tiếp tục vận động các doanh nghiệp, tổ chức xã hội hỗ trợ kinh phí hoặc mua SGK tặng cho học sinh nghèo, tặng các thư viện trường phục vụ việc học tập cho học sinh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)