Thường năm nào cũng vậy, trước khi chuẩn bị bước vào năm học mới, sức mua sách giáo khoa, sách tham khảo dành cho học sinh đều tăng mạnh. Đây cũng là dịp sách giáo khoa in lậu được tung ra thị trường nhiều nhất. Kể từ năm học 2020- 2021, khi Việt Nam chính thức triển khai sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa trong giảng dạy và học tập thì một số đối tượng lợi dụng chủ trương này để sản xuất, kinh doanh sách giáo khoa lậu, giả, kém chất lượng nhằm thu lợi bất chính.
Mới đây, cơ quan chức năng đã triệt phá thành công đường dây tội phạm có tổ chức quy mô lớn chuyên sản xuất, buôn bán hàng giả là sách giáo khoa tại Hà Nội để tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Số lượng sách giả được phát hiện, thu giữ trên 3 triệu cuốn, được coi là con số sách giáo khoa giả bị thu giữ lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, hằng năm chúng ta vẫn thường nghe đến cụm từ “lớn nhất từ trước đến nay” này. Bởi vì cứ sau một năm, số lượng sách giáo khoa in lậu lại được phát hiện nhiều hơn, với thủ đoạn tinh vi hơn năm trước. Điều này cho thấy, tình trạng sản xuất, buôn bán sách giáo khoa lậu không chấm dứt mà ngày càng có diễn biến phức tạp hơn. Đây thực sự là nỗi lo của toàn xã hội.
Hệ lụy mà sách giáo khoa giả mang lại không có gì phải bàn cãi. Bởi lẽ, thường sách giáo khoa giả có chất lượng in kém, nhiều khi bị thiếu, nhầm trang hoặc bị thay đổi nội dung, in sai kiến thức. Điều này rất nguy hiểm nếu chúng được tung ra thị trường, trở thành tài liệu học tập, tham khảo của học sinh. Mã (thẻ cào) trên sách giáo khoa giả không được quyền truy cập vào tài nguyên, dữ liệu bổ trợ kiến thức online..., điều này cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập, rèn luyện tiếp thu kiến thức của học sinh. Thêm nữa, việc sản xuất, lưu hành sách giáo khoa giả ra thị trường sẽ ảnh hưởng đến kinh tế nhiều nhà xuất bản, làm thất thu ngân sách nhà nước.
Năm nào cũng vậy, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam đều đưa ra cảnh báo để giáo viên, phụ huynh và học sinh tránh mua phải sách giáo khoa in lậu, sách giả; triển khai các giải pháp công nghệ như sản xuất tem chống giả đặc thù, tem code, thẻ cào dán trên xuất bản phẩm để có quyền truy cập vào tài nguyên, dữ liệu online, ứng dụng nhận diện sách thật, sách giả… Giải pháp về kinh tế cũng được triển khai như giữ giá bán xuất bản phẩm giáo dục ở mức hợp lý để hạn chế việc in lậu. Vậy nhưng trên thực tế, con số sách giáo khoa giả bị phát hiện, bắt giữ năm sau thường cao hơn năm trước. Nguyên nhân là vì lợi ích kinh tế từ việc in ấn, phát hành sách giáo khoa giả lớn, được cho là “một vốn bốn lời”. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản, chế tài xử lý của pháp luật dù đã được cập nhật, bổ sung nhưng vẫn chưa đầy đủ. Hơn nữa, khung hình phạt đối với hành vi này hiện rất thấp, chưa đủ nghiêm để răn re các đối tượng vi phạm.
Quan điểm của phụ huynh về sách giáo khoa giả không phải ai cũng giống nhau. Thực tế có người thì rất cẩn thận trong việc chọn lựa, nhưng cũng có người chỉ chú trọng đến vấn đề giá cả, còn lại hình thức xấu hay đẹp không quan trọng, dẫn đến sách giả có đất để sống. Mới đây, trong nhóm zalo của các phụ huynh có con năm nay lên lớp 1 đã thảo luận về vấn đề mua sách giáo khoa cho con. Câu chuyện mua hay không nên mua sách giáo khoa từ một người bán hàng online, chuyên bán hoa quả và các mặt hàng tiêu dùng lặt vặt, nhưng vào năm học mới thì rao bán thêm sách giáo khoa trở thành “diễn đàn” sôi nổi của phụ huynh. Theo đó, một số phụ huynh ủng hộ hình thức bán hàng này và đặt mua ngay vì quá tiện lợi (sách được bao bọc, viết nhãn sẵn và mang đến tận nhà), giá lại rẻ hơn mua ở hiệu sách. Một số phụ huynh khác thì lại không mấy tin tưởng, đưa ra lập luận rằng “sách giáo khoa khó có thể bán chung với “dưa, cà, mắm, muối”, nghĩa là nó phải có một không gian, một địa chỉ đủ để tin tưởng. Có một thực tế nữa là với phụ huynh ở thành thị, sự chọn lựa sách cho con khá kỹ càng, thường mua ở những địa chỉ có uy tín. Nhưng ở nông thôn, miền núi, giá cả chính là tiêu chí để nhiều phụ huynh chọn lựa, nhất là đối với các gia đình có đông con đang đi học.
Tuy nhiên, ngoài những lý do chủ quan như trên, việc các đối tượng buôn lậu sử dụng công nghệ cao trong in ấn; sản xuất luôn cả tem chống hàng giả; sử dụng nội dung của sách thật để in lậu... khiến cho người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là sách giả, đâu là sách thật. Đáng nói hơn, có rất nhiều con đường để sách giáo khoa lậu len lỏi vào các nhà sách có uy tín (vì chiết khấu cao, vì người bán không đủ trình độ thẩm định), khiến phụ huynh rất dễ nhầm lẫn trong khâu chọn lựa. Những năm qua, việc thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa, có nhiều bộ sách giáo khoa cùng được lưu hành, giá sách giáo khoa mới cao hơn nên nguy cơ bị in lậu cũng lớn hơn trước đây.
Cuộc chiến chống lại hàng nhái, hàng lậu, trong đó có sách giáo khoa bao giờ cũng gian nan, vất vả, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng. Căn cứ vào quy định hiện hành cho thấy, khung hình phạt cho tội danh này còn quá nhẹ, trong khi lợi nhuận mang lại rất khủng đã vô hình trung tiếp tay cho đối tượng in lậu sách giáo khoa. Vì vậy, cơ quan chức năng nên sửa đổi, nâng hình phạt lên đủ sức răn đe và chuyển hành vi này sang tội sản xuất và buôn bán hàng giả. NXB Giáo dục Việt Nam cần tiếp tục kiện toàn, củng cố hệ thống kênh phát hành trong toàn quốc nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời đến các nhà trường, học sinh, giáo viên, không để xảy ra tình trạng thiếu sách, sốt sách, đặc biệt trong giai đoạn triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)