Từ đầu tháng 7/2025, hơn 1.500 cán bộ, công chức, viên chức từ Quảng Trị (cũ) chuyển ra trung tâm của tỉnh Quảng Trị mới để phục vụ công việc sau khi sáp nhập tỉnh. Những người này sẽ sinh sống, làm việc ở miền đất mới thêm nhiều năm, cũng có thể là cả phần còn lại của cuộc đời.
Trong số những cán bộ, công chức, viên chức phải di chuyển ra phường Đồng Hới để làm việc, nhiều người đã có ngót nghét hơn 20 năm công tác nhưng cũng có những người mới vào nghề. Điểm chung là tất cả đều có cuộc sống ổn định ở tỉnh cũ. Nhưng vì nhiệm vụ trong tình hình mới, những cán bộ, công chức, viên chức này phải chấp nhận rời nơi mình đã có cuộc sống ổn định để làm lại từ đầu.
Không ít người sau nhiều năm dành dụm xây được ngôi nhà mới còn thơm mùi sơn, nay phải bịn rịn rời ra vùng đất mới ở trọ hay ở nhà công vụ. Trong khi đó, số nhà công vụ chỉ đáp ứng gần một nửa so với nhu cầu, đồng nghĩa với việc rất nhiều người phải tự đi tìm nơi ở trọ với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Nhiều người còn phải gửi con cho ông bà để đi làm xa, chấp nhận không thể kề cận nuôi dạy con cái mỗi ngày...
Gác lại phía sau những nỗi niềm, mỗi cán bộ, công chức, viên chức luôn xác định tinh thần cống hiến cho đất nước, vì “hơn lúc nào hết đất nước đang cần chúng ta làm tất cả những gì tốt đẹp nhất vì sự phát triển” như lời Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà từng nói.
Để cán bộ, công chức quen với nơi làm việc mới, sẵn sàng hy sinh và cống hiến vì sự phát triển của đất nước rất cần sự sẻ chia, giúp đỡ của cán bộ và người dân sở tại. Mỗi hành động hỗ trợ của người dân là một nguồn động viên và chia sẻ rất lớn đối với người mới đến.
Những quán cơm bụi nên có mức giá bình dân để cư dân mới có sự lựa chọn phù hợp giữa chi phí và thu nhập. Nhà trọ không nên tăng giá để giảm bớt áp lực kinh tế cho cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh cũ ra. Các dịch vụ, hàng hóa đừng “chặt chém” để chia sẻ những khó khăn ban đầu, giúp người mới đến cảm thấy vùng đất này là nơi xứng đáng để đến định cư lâu dài và cống hiến tâm sức xây dựng tỉnh mới.
Ngoài ra, môi trường làm việc ở vùng đất lạ cũng là một “nỗi niềm” không nhỏ đối với những cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh Quảng Trị cũ ra tỉnh mới. Vượt hơn 100km từ nơi cũ, những người mới đến phải bắt đầu làm quen với môi trường làm việc, với những đồng nghiệp mới. Những bỡ ngỡ ban đầu là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, sự mở lòng, gần gũi; sự tương trợ, nhường nhịn, hướng dẫn tận tình của mọi người đều mang lại cảm giác ấm áp, tạo thêm năng lượng tích cực để những người mới đến nỗ lực hơn.
Quảng Bình và Quảng Trị là hai vùng đất vốn đã gắn bó từ lâu trong lịch sử. Cái tên “Bình Trị” mà người dân hay nhắc đến có từ năm 1890 dưới thời nhà Nguyễn. Đến năm 1975, tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị lại thêm một lần nhập với nhau, cùng Thừa Thiên tạo thành tỉnh Bình Trị Thiên.
Đến năm 1989 thì tỉnh Bình Trị Thiên mới được tách ra thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Vì sự gắn bó đó mà người dân hai tỉnh lâu nay cũng đã có sự tương đồng, gắn bó nhiều mặt về văn hóa. Nết ăn ở, lối sinh hoạt, cách nói chuyện hay cư xử của người dân hai tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình cũ đều có nhiều điểm giống nhau.
Trong lịch sử, cả Quảng Bình và Quảng Trị đều đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ biên giới phía Nam của Đại Việt thời Lê, là cửa ngõ chiến lược trong thời kỳ chống Pháp và Mỹ. Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hai tỉnh này nằm trên tuyến lửa, là khu vực giao tranh ác liệt với nhiều hy sinh mất mát, đồng thời cũng là hậu phương quan trọng của miền Bắc.
Khi hai tỉnh sáp nhập, mục tiêu lớn nhất sẽ là xây dựng tỉnh Quảng Trị trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực Bắc Trung Bộ. Từ hai thành một, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, việc đối mặt với khó khăn ở thời điểm bắt đầu là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân của hai tỉnh cũ sẽ cùng bắt tay lao động để xây dựng tỉnh mới hoàn thành mục tiêu đặt ra. Sự đoàn kết của hiện tại chính là chìa khóa đầu tiên và quan trọng nhất cho mọi thành công trong tương lai.
Và việc “mở lòng” lúc này là cách để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh đặt những viên gạch đầu tiên xây nên ngôi nhà đoàn kết.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị