Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là những khái niệm về pháo hoa và pháo hoa nổ. Vậy cần hiểu như thế nào để người dân được sử dụng pháo hoa dịp lễ, tết đúng quy định?
Nghị định số 36/2009/NĐ-CP hiện hành quy định pháo bao gồm pháo nổ và pháo hoa, trong đó pháo hoa gồm pháo hoa gây tiếng nổ và pháo hoa không gây tiếng nổ.
Tuy nhiên, các quy định này của Nghị định số 36/2009/NĐ-CP chưa tách bạch pháo hoa gây tiếng nổ và pháo hoa không gây tiếng nổ. Trong khi đó, thực chất pháo hoa gây tiếng nổ có sử dụng thuốc pháo nổ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhân dân và ảnh hưởng đến môi trường.
Do vậy, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP đã quy định pháo bao gồm pháo nổ và pháo hoa, trong đó:
Pháo nổ bao gồm pháo nổ và pháo hoa nổ. Như vậy, pháo hoa nổ trước đây Nghị định số 36/2009/NĐ-CP quy định là pháo hoa thì nay Nghị định số 137/2020/NĐ-CP quy định là pháo nổ và bị cấm sử dụng, trừ các trường hợp Nhà nước tổ chức bắn pháo hoa nổ vào các ngày lễ lớn và các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Pháo hoa là loại pháo không có thuốc pháo nổ, chỉ tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Loại pháo này đã được Nghị định số 36/2009/NĐ-CP cho phép sử dụng trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thực tế người dân vẫn sử dụng trong các buổi sinh nhật, cưới hỏi…
Như vậy khái niệm “pháo hoa” theo Nghị định số 137/2020/NĐ-CP đã thay đổi so với Nghị định số 36/2009/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, đồng thời quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được mua pháo hoa tại các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
(Nguồn: Báo Chính Phủ)