Hoàn thành lấy ý kiến Nhân dân về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã trước ngày 20/4

Quang Hải |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp của tỉnh. Trong đó, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã trước ngày 20/4.

Trình Chính phủ đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã trước ngày 1/5

Theo kế hoạch, Sở Nội vụ căn cứ các định hướng, quy định, hướng dẫn của trung ương, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh tham mưu UBND tỉnh cung cấp cho UBND tỉnh được giao chủ trì xây dựng đề án các thông tin, số liệu, nội dung liên quan của tỉnh Quảng Trị để xây dựng đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh.

 
Hình ảnh minh họa - Ảnh: ST 
 

UBND cấp huyện xây dựng phương án, đề án sắp xếp ĐVHC của các huyện, thị xã, thành phố, có giải trình chi tiết từng phương án đề xuất, số liệu và các yếu tố đặc thù của ĐVHC phải cập nhật đầy đủ, chính xác, thống nhất theo quy định, hướng dẫn; dự kiến các phương án nhân sự, trụ sở, tài sản công... và các nội dung khác liên quan đến ĐVHC mới.

Sở Nội vụ tổng hợp, xây dựng phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã hoàn thành báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trên cơ sở ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng, hoàn chỉnh đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh trình Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Liên quan tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã, Sở Nội vụ quyết định nội dung và hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng thời phối hợp với UBND cấp tỉnh cùng sáp nhập triển khai, tổng hợp lấy ý kiến Nhân dân đảm bảo thống nhất, hiệu quả.

Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Quang Chiến cho biết, cách thức lấy ý kiến Nhân dân là tổ chức phát phiếu theo đầu cử tri, lấy ý kiến đưa về các đơn vị. “Hình thức lấy phiếu đã gửi cho UBND tỉnh. Về cấp xã, Nhân dân chủ yếu quan tâm 3 nội dung: xã nào nhập với nhau, tên gọi và trụ sở nằm ở đâu? Nhiều lần nhập xã thì chúng ta cũng thực hiện lấy ý kiến Nhân dân. Trung tâm hành chính cố gắng sắp xếp thuận lợi cho người dân”, ông Chiến nói.

Theo đó, UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã lập danh sách cử tri là đại diện hộ gia đình thường trú trên địa bàn, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) số lượng cử tri lấy ý kiến sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã chậm nhất ngày 16/4; thực hiện niêm yết danh sách cử tri hoàn thành trước ngày 18/4. Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân hoàn thành trước ngày 20/4.

Giao UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn; tổng hợp và lập báo cáo kết quả của địa phương gửi về Sở Nội vụ, hoàn thành trong ngày 21/4. Sở Nội vụ tổng hợp ý kiến Nhân dân báo cáo cấp có thẩm quyền hoàn thành trong ngày 22/4. Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh để xem xét, ban hành nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và cấp xã từ ngày 25 đến 27/4.

Theo kế hoạch đề ra, Quảng Trị hoàn thành trình Chính phủ hồ sơ đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã trước ngày 1/5.

Kế hoạch cũng giao các sở, ngành, UBND xã, phường tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy; đánh giá, phân loại, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý bảo đảm lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực để đảm nhận những vị trí công việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới. Kịp thời giải quyết chế độ, chính sách đối với những trường hợp dôi dư thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý.

Khảo sát nguyện vọng của cán bộ, công chức

Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Quang Chiến thông tin thêm, sở đang tổng hợp số liệu về cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các sở, ban, ngành có nguyện vọng về công tác tại cấp xã. Việc khảo sát này nhằm nắm bắt tình hình cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh có nguyện vọng tăng cường, bố trí về công tác tại cấp xã khi thực hiện mô hình địa phương 2 cấp.

“Danh sách công chức, viên chức nguyện vọng xin về xã, các sở đã gửi nhưng chúng tôi chưa tổng hợp xong. Việc này để có phương án phù hợp khi sắp xếp đơn vị hành chính, chứ không thể giải quyết hết toàn bộ nguyện vọng của cán bộ được, vì còn tùy theo điều kiện, vị trí việc làm”, ông Chiến cho hay.

Cụ thể, theo ông Chiến, khi cấp xã nhập lại sẽ thừa cán bộ. Vì thế, còn phải chờ xem cấp xã, huyện nghỉ bao nhiêu người, vị trí việc làm ra sao thì mới có phương án giải quyết nguyện vọng của công chức, viên chức cấp sở muốn xin về xã. “Tỉnh cố gắng tạo điều kiện để cán bộ, công chức thuận lợi. Nếu không sắp xếp được thì ban đầu phải khắc phục khó khăn”, ông Chiến cho biết.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Sức mạnh đoàn kết và quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát. Bài 3: Phát huy vai trò của mặt trận các cấp trong công tác hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở

Nguyễn Phong |

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước đã được triển khai. Việc giám sát phân bổ nguồn lực, hỗ trợ kinh phí và xây nhà được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch. Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó phải kể đến vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh. Thông qua các hoạt động của mình, MTTQ vừa là cơ quan thường trực, vừa đóng vai trò huy động các nguồn lực xã hội hóa, thực hiện công tác giám sát, góp phần đảm bảo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được thực hiện công bằng, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Sức mạnh đoàn kết và quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát. Bài 2: Đoàn kết cùng hành động

Nguyễn Phong |

 Những ngôi nhà Đại đoàn kết được xây tặng cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ Đề án “Huy động nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo” thực sự là món quà thiết thực, ý nghĩa, giúp các hộ nghèo có điều kiện an cư lạc nghiệp, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Sức mạnh đoàn kết và quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát. Bài 1: Người nghèo cần nhiều sự hỗ trợ về nhà ở

Nguyễn Phong |

Xác định nhà ở và sinh kế là nhu cầu cơ bản nhất của người nghèo, từ năm 2004-2022, thông qua nguồn kinh phí của Nhà nước và các nguồn xã hội hóa, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng hơn 22.000 ngôi nhà cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Nhờ đó, nhà ở của các đối tượng này đã được cải thiện, tạo điều kiện ổn định đời sống vật chất và tinh thần, góp phần phát triển kinh tế gia đình và vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, vẫn còn nhiều hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở cần được sự chung tay của cả cộng đồng hỗ trợ để họ có được một mái ấm.