Sức mạnh đoàn kết và quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát. Bài 1: Người nghèo cần nhiều sự hỗ trợ về nhà ở

Nguyễn Phong |

Xác định nhà ở và sinh kế là nhu cầu cơ bản nhất của người nghèo, từ năm 2004-2022, thông qua nguồn kinh phí của Nhà nước và các nguồn xã hội hóa, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng hơn 22.000 ngôi nhà cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Nhờ đó, nhà ở của các đối tượng này đã được cải thiện, tạo điều kiện ổn định đời sống vật chất và tinh thần, góp phần phát triển kinh tế gia đình và vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, vẫn còn nhiều hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở cần được sự chung tay của cả cộng đồng hỗ trợ để họ có được một mái ấm.

 
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hải Lăng khởi công xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ bà Đặng Thị Bê tại xã Hải Định, huyện Hải Lăng -Ảnh: N.P 
      

Theo rà soát hộ nghèo cuối năm 2021, toàn tỉnh có 4.111 hộ nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở, chiếm 39,41% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2022; 5.913 hộ nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở (31,59%) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025. Số hộ nghèo thiếu hụt về diện tích nhà ở là 10.728 hộ (57,32%) theo chuẩn nghèo mới. Tổng hợp kết quả rà soát, toàn tỉnh có 3.152 hộ chưa có nhà ở hoặc nhà ở tạm bợ, hư hỏng mà không có khả năng xây dựng.

Bà Thân Thị Yến, thôn Đông Sơn, Hải Sơn, Hải Lăng nằm ở vùng trũng sâu, nên mỗi mùa mưa đến, nhà bà đều bị mưa dột. Sau trận lũ năm 2020, nhà bà bị sập hoàn toàn, chỉ còn lại một phần. Các con ở xa, bà chỉ ở một mình lại thường xuyên đau ốm, có cái ăn hằng ngày đã khó, chứ chuyện dựng lại nhà để ở càng khó hơn. Mỗi ngày trôi qua là một sự lo lắng, bất an. Mỗi lần có thiên tai, bà đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của bà con lối xóm và hội viên, đoàn viên các đoàn thể. Bà Yến nói trong nước mắt rằng giờ đã ở tuổi xế chiều, mong muốn của bà chỉ là có một ngôi nhà nhỏ để ở.

Hay bà Hồ Căn Ta, ở thôn Ruộng, xã Hướng Hiệp nay tuổi đã lớn, không còn sức khỏe lao động để có tiền làm nhà. Căn nhà cũ hư hỏng nặng, con gái bà cũng không có việc làm ổn định, hằng ngày đi làm thuê kiếm sống. Ngôi nhà xuống cấp trầm trọng, không thể sửa chữa. Mong muốn của bà là có một mái nhà đủ để che mưa, che nắng, sống qua ngày. Mong muốn của bà Hồ Căn Ta và bà Thân Thị Yến cũng là mong muốn của hơn 3.000 hộ nghèo, cận nghèo trên toàn tỉnh để có động lực vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no, gia đình hạnh phúc.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động và phong trào thi đua chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương phối hợp Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động; thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-HĐND ngày 18/10/2022 của HĐND tỉnh thông qua đề án “Huy động nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022- 2026” (Đề án 197), toàn tỉnh Quảng Trị phấn đấu xây mới hơn 3.150 ngôi nhà cho hộ nghèo, hộ người có công với cách mạng.

Mục đích của đề án là nhằm vận động các nguồn lực xã hội, lồng ghép với nguồn lực nhà nước để hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở; đảm bảo sau khi được hỗ trợ, các hộ gia đình có nhà ở an toàn, góp phần cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững.

Những năm qua, phát huy vai trò chăm lo công tác an sinh xã hội, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, MTTQ Việt Nam tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện công tác an sinh xã hội và xóa nhà tạm, nhà dột nát đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, tạo nhiều dấu ấn đậm nét có sức lan tỏa lớn và huy động được nhiều nguồn lực tham gia.

Phong trào chung tay hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã được đông đảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội đồng tình hưởng ứng, tỉnh Quảng Trị đang phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu xây mới 3.672 nhà ở cho hộ nghèo, đến cuối năm 2025 toàn tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo ở nhà tạm bợ.

Trong đó, ưu tiên các huyện đã đăng ký lộ trình về đích xây dựng huyện nông thôn mới đến năm 2025 và 9 xã miền núi đăng ký về đích nông thôn mới. Từ nguồn lực phân bổ từ ngân sách tỉnh, cùng các nguồn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn lực vận động xã hội hóa để đảm bảo mức hỗ trợ xây nhà hộ nghèo theo quy định của đề án là 70 triệu/hộ miền núi, 60 triệu/hộ vùng đồng bằng, trung du.

Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, từ nguồn vận động, ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam - ban cứu trợ các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách; sửa chữa, nâng cấp nhà ở cho hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Từ đó, giúp người nghèo có nơi ở khang trang hơn, cuộc sống ngày càng ổn định. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cũng tiến hành khảo sát, lựa chọn đối tượng đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp để hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế nhằm giúp người nghèo từng bước thoát nghèo bền vững.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng cho biết: “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam - Ban Cứu trợ tỉnh đã kêu gọi, vận động hỗ trợ xây mới; sửa chữa; hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo; hỗ trợ điều trị bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ khó khăn đột xuất, tặng quà trong các dịp lễ, Tết. Về cơ bản đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây mới, sửa chữa được 1.785 ngôi nhà đại đoàn kết”.

Từ những hành động, việc làm ý nghĩa thiết thực, với tinh thần “tương thân tương ái”, MTTQ các cấp và cộng đồng dành sự quan tâm đặc biệt để chăm lo cho người nghèo và các đối tượng khó khăn, tiếp tục thực hiện đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tổ chức điển hình trong công tác vì người nghèo, an sinh xã hội, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội cùng chung tay chăm lo cho người nghèo.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Hải Lăng làm tốt công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát

Minh Anh |

Trong những năm qua, các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cuộc sống cho người nghèo, người cận nghèo, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn huyện Hải Lăng luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Trong đó, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng trăm hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trong huyện.

Bộ đội Biên phòng giúp dân xóa nhà tạm, nhà dột nát

Xuân Thế |

Hưởng ứng thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, thời gian qua, Đồn Biên phòng Triệu Vân, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện với phương châm “Thần tốc - Quyết thắng”, xem đây vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là “mệnh lệnh từ trái tim” của người chiến sĩ biên phòng với người dân gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn biên giới.

Huyện Gio Linh quyết tâm hoàn thành sớm mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát

Hoài An |

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Gio Linh được triển khai thực hiện khẩn trương, kịp thời. Chương trình tạo sự lan tỏa lớn, nhận được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, sự đồng thuận và chung tay góp sức của các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, doanh nghiệp và Nhân dân.

Hướng Hóa nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Tuấn Việt |

Thực hiện Chỉ thị số 42 ngày 15/1/2025 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; thông báo Kết luận số 01 ngày 9/1/2025 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) xoá nhà tạm, nhà dột nát tỉnh, ngày 17/1/2025, BTV Huyện uỷ Hướng Hóa ban hành Quyết định số 2202 thành lập BCĐ huyện Hướng Hoá.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Đông Hà

Hải Phi |

Theo báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn TP. Đông Hà, kết quả rà soát toàn thành phố có 51 hộ có nhu cầu xây mới và sửa chữa nhà ở, trong đó, có 24 hộ người có công với cách mạng và 27 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: công tác phối hợp, nắm bắt thông tin trên địa bàn thiếu cụ thể, chưa chặt chẽ, dẫn đến thông tin sai lệch phải điều chỉnh, phúc tra nhiều lần, làm chậm tiến độ xây dựng kế hoạch và phân bổnguồn lực; đa số các hộ được hỗ trợ làm nhà ở điều kiện kinh tế khó khăn không có nguồn đối ứng của gia đình...