Khi đàn ông dân tộc thiểu số chia sẻ việc nhà

Hải An |

Ca dao có câu: “Trai khôn tìm vợ chợ đông/Gái khôn tìm chồng ở chốn ba quân”, nhưng hiện nay, đối với nhiều người đàn ông dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở các xã vùng cao, họ không đến chợ chuối bên Quốc lộ 9 (đoạn qua xã Tân Long, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) để “tìm vợ” mà thay vợ mang chuối cũng như nhiều nông sản khác từ nương rẫy ra chợ bày bán.

Ít ai biết rằng, trong nếp nghĩ từ xa xưa của đồng bào dân tộc thiểu số thì phụ nữ phải quanh năm làm lụng vất vả trên nương rẫy, mang nông sản làm được ra chợ bán kiếm tiền nuôi chồng, con chứ không phải cánh đàn ông!

Mới 5 giờ sáng, khi sương mù dày đặc, trắng đục, phả hơi lạnh tê cóng ngấm vào da thịt, anh Hồ Văn Thức (22 tuổi) ở bản Thuận 5, xã Thuận, huyện Hướng Hóa đã trở dậy chuẩn bị dụng cụ, rồi lên chiếc xe máy chuyên dùng cho việc chở chuối để vào vườn chuối cách nhà khoảng 5 - 6 km.

Anh Thức cho biết, vườn chuối gia đình anh có khoảng 500 bụi chuối đang trong thời kỳ thu hoạch. Vậy nên, hằng ngày cứ khoảng 4 - 5 giờ sáng là anh phải lên đường, len lỏi khắp vườn chuối tìm chặt rồi gom những buồng chuối sắp chín chở ra chợ để bán.

“Công việc khá vất vả bởi phải khuân vác những buồng chuối nặng lên xe máy, sau đó chở xe chuối nặng chạy trên đoạn đường ngoằn ngoèo, lầy lội giữa vườn chuối mới ra đến tuyến đường tỉnh ĐT 586… nên chỉ đàn ông sức vóc, tráng kiện mới đảm đương nổi”, anh Thức cho biết.

Mãi đến 9 giờ sáng, anh Thức mới đưa được 8 buồng chuối ra đến chợ chuối để bày bán. Thấy những buồng chuối có trái to, đẹp nên chỉ một lúc sau đã có thương lái hỏi mua với giá khá cao. Sau khi bán cho thương lái, anh Thức nhanh chóng quay về bản Thuận 5 để buổi chiều lên rẫy chăm sóc sắn cùng vợ.

Nhiều đàn ông dân tộc Vân Kiều, Pa Kô thay vợ mang nông sản ra bày bán ở chợ chuối Tân Long - Ảnh: H.A
Nhiều đàn ông dân tộc Vân Kiều, Pa Kô thay vợ mang nông sản ra bày bán ở chợ chuối Tân Long - Ảnh: H.A
Anh Hồ Văn Tru (47 tuổi) ở bản Thuận 3, xã Thuận góp chuyện, ngày xưa cứ đặt chân đến một số bản làng ở vùng Lìa, có thể bắt gặp hình ảnh trai bản ngồi ở sàn nhà phì phèo điếu thuốc lá hoặc tụ tập uống rượu thâu đêm suốt sáng. Rồi khi say xỉn lại gây gổ đánh nhau hay vợ chồng lục đục thường xuyên.

Theo quan niệm của một số đàn ông người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô trước đây xem phụ nữ phải một mình lầm lũi làm lụng vất vả trên nương rẫy hoặc oằn vai gùi cõng nông sản đến bán ở các phiên chợ là chuyện đương nhiên. Cũng có thể nếp nghĩ ấy có căn nguyên từ hủ tục gửi tiền “bỏ của” (thách cưới) trong hôn nhân của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Nhà trai gửi tiền “bỏ của” càng nhiều thì càng dễ được nhà gái gả con cho. Rồi đám cưới thì tổ chức ăn uống linh đình với nhiều nghi thức rườm rà, tốn kém.

Đến khi đôi vợ chồng về chung sống với nhau phải trả một khoản nợ lớn. Cũng bởi chi phí lớn để tổ chức đám cưới, nên nhiều cô dâu khi về nhà chồng phải làm tất cả công việc nặng nhọc từ nương rẫy, gánh nước, vào rừng chặt củi… như là cách “trả nợ”, còn chồng thì chỉ việc ngồi ở nhà mà không phụ giúp gì cho vợ…

“Còn bây giờ, chuyện đàn ông dân tộc Vân Kiều, Pa Kô thay vợ mang nông sản đến bán ở các chợ; rồi đàn ông giúp vợ chăm lo công việc nương rẫy, gia đình đã trở nên phổ biến ở các xã vùng cao. Như trong gia đình tôi, hiện tại hầu hết công việc từ làm cỏ, chăm sóc vườn chuối, sắn; ra chợ để bán chuối đều do tôi đảm nhận. Tiền bạc thu được từ việc bán nông sản trên nương rẫy, tôi đều đưa hết cho vợ để lo cho cuộc sống gia đình và nuôi con cái ăn học thành người”, anh Hồ Văn Tru chia sẻ với nụ cười mãn nguyện.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Hướng Hóa Hồ Thị Thu Nhường cho biết, địa phương có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 80% hội viên, phụ nữ. Trước đây, do điều kiện kinh tế- xã hội còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán của người dân còn lạc hậu nên phụ nữ và trẻ em gái vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chịu rất nhiều thiệt thòi trong việc tham gia các hoạt động xã hội và cộng đồng.

Trong gia đình, người phụ nữ dân tộc thiểu số thường có thời gian làm việc gấp nhiều lần nam giới, làm ra phần lớn của cải vật chất, nhưng quyền quyết định bị hạn chế, đặc biệt là quyết định việc sinh con. Sau khi kết hôn, người phụ nữ bị bó hẹp trong công việc nội trợ và làm nương rẫy, không được quyền quyết định về kinh tế và những việc lớn trong dòng tộc; thậm chí khi gia đình có khách, người phụ nữ không được ngồi ăn chung.

Mặc dù là lực lượng lao động chính trong gia đình nhưng họ không có điều kiện tiếp cận các nguồn lực và các công việc có thu nhập cao. Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi khi cộng đồng thôn, bản tổ chức lễ hội thì đại đa số là nam giới tham gia, còn nữ giới thường phải lo công việc gia đình. Đây cũng là nguyên nhân tác động tiêu cực đến bất bình đẳng giới tại cộng đồng.

Để giải phóng phụ nữ ra khỏi công việc của gia đình, thực hiện quyền bình đẳng giữa nam và nữ, thời gian qua huyện Hướng Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản của địa phương về phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh biên giới; vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ công dân, trong đó tập trung tuyên truyền phổ biến về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình...

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới; gắn triển khai chiến lược bình đẳng giới với các chiến lược, chương trình mục tiêu khác có liên quan của các cơ quan, đơn vị, địa phương nên nhận thức về giới, vai trò và vị thế của phụ nữ trong xã hội và gia đình từng bước được nâng lên.

Vợ chồng bình đẳng với nhau trong gia đình, bàn bạc và lựa chọn sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp; quan tâm chăm sóc, yêu thương con cái, từng bước xác lập mối quan hệ bình đẳng trong ứng xử vợ chồng, chia sẻ công việc gia đình. Vai trò của người phụ nữ đã được cải thiện đáng kể. Người phụ nữ được tôn trọng và được tham gia nhiều hơn vào các quyết định trong gia đình, vào các hoạt động sản xuất tạo thu nhập cho gia đình. Tình trạng bạo lực gia đình cũng đã giảm nhiều…

Có thể nói, việc chú trọng tuyên truyền, phổ biến và thực hiện Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… của huyện Hướng Hóa đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong hội viên, phụ nữ, nhất là hội viên, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Chị em đã chủ động, tự tin và quyết đoán hơn trong phát triển các mô hình kinh tế cũng như tham gia các hoạt động xã hội, phong trào thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ…

Và hình ảnh người đàn ông dân tộc Vân Kiều, Pa Kô giúp vợ trong bán buôn nơi chợ búa, làm nương rẫy và nhiều công việc nặng nhọc khác hiện đã trở nên phổ biến, lan tỏa khắp các bản làng ở miền Tây Quảng Trị.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

“Điểm tựa” quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số

Lê An |

Là những người được tín nhiệm, có phạm vi ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, có khả năng tập hợp Nhân dân tin tưởng nghe và làm theo, thời gian qua, người có uy tín trên địa bàn huyện Hướng Hoá (Quảng  Trị) đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân, vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người có uy tín được xem là lực lượng quần chúng đặc biệt, là “điểm tựa” của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Triển khai Chương trình dân tộc thiểu số và miền núi phải có trọng tâm, trọng điểm

PV |

Ngày 22/2, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 48/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với Ủy ban Dân tộc.

Quảng Bình: Phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số

Hương Giang |

Quảng Bình là địa phương ở khu vực miền trung giàu tài nguyên du lịch. Ngoài bờ biển dài và những thắng cảnh nổi tiếng thì phía tây của tỉnh còn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ nằm dưới tán rừng Trường Sơn và dọc theo hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Đakrông: 60 phụ nữ dân tộc thiểu số được tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin kinh doanh online

Thanh Hằng |

Hội LHPN huyện Đakrông (Quảng Trị) phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông - Sở Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức tập huấn kiến thức về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ nâng cao quyền kinh tế cho 60 hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số.