Theo giới thiệu của F88, hiện nay doanh nghiệp có 2 hình thức cho vay cầm cố là cầm cố đăng ký xe máy/ôtô hoặc cầm cố bằng tài sản. Công ty áp dụng lãi suất cho vay 1,1%/tháng, tức hơn 13%/năm. Đáng chú ý, mức lãi suất trên chưa bao gồm các chi phí khác.
Ngày 6/3, trụ sở F88 trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, TP.HCM bị Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, Công an TP.HCM khám xét, kiểm tra vì nghi ngờ thông qua hoạt động cho vay để cưỡng đoạt tài sản.
F88 là công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính với tốc độ phủ sóng lan rộng trên nhiều tỉnh thành trong vài năm qua. Với hơn 800 cửa hàng, doanh nghiệp này trở thành chuỗi cầm đồ lớn nhất cả nước.
Chi phí vay lên đến 56%/năm
Theo giới thiệu của F88, hiện nay doanh nghiệp có 2 hình thức cho vay cầm cố là cầm cố đăng ký xe máy/ôtô hoặc cầm cố bằng tài sản. Công ty áp dụng lãi suất cho vay 1,1%/tháng, tức hơn 13%/năm.
Đáng chú ý, mức lãi suất trên chưa bao gồm các chi phí khác. Theo đó, khi vay, khách hàng sẽ phải trả thêm các khoản chi phí vay bao gồm phí thẩm định điều kiện cho vay, phí quản lý tài sản cầm cố. Tổng chi phí vay tính theo dư nợ giảm dần.
Đơn cử, với số tiền vay 10 triệu đồng vay bằng đăng ký xe máy trả trong 6 tháng. Tổng số tiền khách hàng phải trả là hơn 12,8 triệu đồng, tương đương mức lãi 28%/6 tháng. Như vậy, nếu tính mức lãi suất và phí theo năm, người vay sẽ phải trả cho F88 mức lãi hơn 56%/năm.
Ngày 10/3, Zing đã đến một cơ sở của F88 tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội để tìm hiểu về cách thức cho vay cũng như lãi suất thực tế của doanh nghiệp này. Theo đó, nhân viên cửa hàng này cho biết khách hàng chỉ cần đăng ký xe máy hoặc ôtô là có thể nhận tiền ngay.
"Tổng các chi phí vay sẽ dao động 30-56%/năm. Sử dụng xe máy làm tài sản thế chấp thì chi phí vay sẽ khoảng 56%/năm", người này nói và cho biết cửa hàng cho vay theo thời hạn 12-15-18 tháng.
Cụ thể, theo nhân viên F88, nếu vay 50 triệu đồng trong 12 tháng, 6 tháng đầu khách hàng sẽ phải trả khoảng 7,3 triệu đồng/tháng và 6 tháng còn lại trả khoảng 6,4 triệu đồng/tháng. Do đó, khách hàng sẽ phải trả lãi hơn 32 triệu đồng, chưa kể chi phí gốc.
F88 có cho vay đúng luật?
Theo Điều 29 Nghị định 96/2016 quy định về lãi suất cầm đồ: "Tỷ lệ lãi suất vay tiền thông qua dịch vụ cầm đồ để cầm cố tài sản, sẽ không được vượt quá tỷ lệ lãi suất mà Bộ luật dân sự quy định".
Đối chiếu với quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất khi vay tiền sẽ do các bên tự nguyện thỏa thuận với nhau, nhưng không vượt quá 20% trên một năm của khoản tiền vay đó, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trao đổi với Zing, Luật sư Nguyễn Văn Đồng, đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết F88 đang cho vay lãi suất hơn 13%/năm, tức dưới 20%/năm là đúng luật. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp này quy định thêm nhiều chi phí vay như phí thẩm định điều kiện cho vay, phí quản lý tài sản cầm cố khiến tổng lãi vay lên đến 56% là lách luật.
"F88 không phải là tổ chức tín dụng, không hoạt động và chịu sự điều chỉnh của Luật tổ chức tín dụng. Mà doanh nghiệp này đang hoạt động theo quy định của Bộ luật dân sự, luật dân sự. Do đó, F88 lợi dụng kẽ hở này để lách luật cho vay lãi cao", vị luật sư cho biết.
Về các chi phí phát sinh như phí thẩm định điều kiện cho vay, phí quản lý tài sản cầm cố, ông cho rằng thực tế những chi phí này không được cộng vào. Bởi việc thẩm định và quản lý tài sản là điều kiện để đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, theo Zing.
"Với các ngân hàng, khách hàng chỉ phải trả phần lãi suất khi đi vay thế chấp bằng tài sản như ô tô mà không tính thêm các chi phí như F88 đang thực hiện. Trong khi đó, có nhiều tổ chức cho vay, cầm cố bên ngoài không chỉ thu thêm các chi phí mà còn cho thuê tài sản mà khách đang cầm cố", vị luật sư cho biết.
F88 được thành lập vào năm 2013, đối tượng chủ yếu là nhóm khách hàng dưới chuẩn, tức không đủ tiêu chuẩn vay ngân hàng. Nguồn tiền cho vay và sự mở rộng nhanh chóng của F88 gắn liền với khả năng gọi vốn hàng nghìn tỷ đồng từ các nhà đầu tư quốc tế và cả dòng tiền từ huy động trái phiếu.
Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ông Tuấn đang là người đại diện pháp luật của Công ty CP kinh doanh F88 (thành lập năm 2016, công ty đang bị khám xét tại TP.HCM). Ông Tuấn cũng là đại diện Công ty CP Đầu tư F88 được thành lập năm 2015, đây là công ty mẹ của Công ty CP Kinh doanh F88.
Trên website, F88 tự giới thiệu doanh nghiệp có lợi thế nguồn vốn lớn từ sự đầu tư của các quỹ đầu tư tài chính uy tín trên thế giới, như Mekong Capital và Granite Oak.
Theo bản công bố thông tin về cơ hội đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của F88 năm 2020, ông Phùng Anh Tuấn nắm giữ 20% cổ phần F88. Quỹ đầu tư Mekong Capital nắm 41,8%. Quỹ Granite Oak giữ 12,9%.
Ngày 2/3 vừa qua, chuỗi cầm đồ đã huy động thành công khoản đầu tư 50 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C với hai nhà đầu tư chính là Quỹ Việt Nam - Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV). Cuộc gọi vốn này nhiều khả năng sẽ làm thay đổi cơ cấu cổ đông của F88.
Công ty cho biết số vốn này sẽ được đầu tư vào ba trụ cột chính, gồm phát triển công nghệ, dữ liệu và khoa học dữ liệu; xây dựng thương hiệu và gia tăng khách hàng mới.
Trước đó, năm 2022, F88 đã huy động thành công 70 triệu USD từ các quỹ tài chính như CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable (London). Tiếp đến là kết hợp với các ngân hàng quốc tế như CIMB Việt Nam (chi nhánh của tập đoàn CIMB có nguồn gốc từ Malaysia) và Kasikornbank (Kbank), là một trong ba ngân hàng lớn nhất Thái Lan, để phân phối các sản phẩm tài chính, trong đó có các khoản vay theo hình thức cầm cố tài sản, theo Dân Việt.
Theo ông Tuấn, F88 có kế hoạch tìm các nhà đầu tư chiến lược từ nước ngoài cho đợt IPO trước cuối năm 2023. Mục tiêu vào năm 2024 có thể đạt vốn hóa thị trường khoảng 1 tỷ USD khi niêm yết trên sàn HoSE.
Dự kiến trong năm nay, F88 có thể giao dịch cổ phiếu trên UPCoM, nhưng chưa rõ thời điểm cụ thể.
Thậm chí, với sự hậu thuẫn của các nhà đầu tư ngoại, F88 còn tham vọng năm 2023 sẽ cán mốc 1.000 chi nhánh khắp cả nước, và là tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính số 1 Việt Nam.
Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tóm tắt gửi đến Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, chuỗi cầm đồ có vốn chủ sở hữu 434 tỷ đồng và nợ phải trả là hơn 1.000 tỷ tại cuối năm 2020, riêng dư nợ trái phiếu chiếm phần lớn với 842 tỷ đồng. Cũng trong năm 2020, toàn hệ thống thu về 45 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 170% so với con số gần 17 tỷ đồng của năm 2019.
(Nguồn: Tổng hợp/ Ngày nay)