Ngày càng xuất hiện những dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể trong tầm kiểm soát, song những nguy cơ địa chính trị sẽ tiếp tục gây biến động và nhiều khả năng một cuộc suy thoái kinh tế sẽ diễn ra.
Nhận định trên được các chuyên gia hàng đầu trong ngành ngân hàng đưa ra tại một hội nghị tài chính diễn ra ở Hong Kong (Trung Quốc) ngày 2/11.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc điều hành (CEO) ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) James Gorman nhấn mạnh mục tiêu của các ngân hàng trung ương là kiểm soát lạm phát. Theo dự đoán của ông Gorman, nhiều khả năng lạm phát khó quay trở lại mức từ 1% -2% như trước kia, mà có thể ở các mức từ 4%-5% trong vài năm tới.
Trong khi đó, Chủ tịch ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS Colm Kelleher khẳng định các ngân hàng trung ương sẽ kiểm soát lạm phát và sẽ có nhiều điểm sáng để giới kinh doanh đầu tư. Tuy nhiên, ông Kelleher bày tỏ bi quan về triển vọng kinh tế tại châu Âu và nhận định giới chuyên gia sẽ theo dõi chặt chẽ khả năng Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19.
Về phần mình, CEO của ngân hàng Goldman Sachs David Solomon cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang trải qua giai đoạn tái cân bằng mà trước đây thường mất từ 2 đến 4 quý. Theo đánh giá của ông Solomon, các ngân hàng đang trong giai đoạn siết chặt chính sách tiền tệ. Cùng với lạm phát tăng và tiến độ siết chặt chính sách tiền tệ được đẩy nhanh, thế giới ngày càng biến động và bất ổn hơn.
Cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Mark Carney đưa ra một bức tranh không mấy lạc quan về kinh tế thế giới. Ông Carney cho rằng thế giới dường như đang đứng trước nguy cơ suy thoái, cùng với đó là tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với các nền kinh tế châu Âu. Theo ông, lãi suất cùng lạm phát tăng cao và ngày càng biến động hơn là những yếu tố gây khó khăn đối với toàn hệ thống kinh tế.
(Nguồn: Ngày Nay)