Ngân hàng đua nhau tăng lãi suất: Áp lực đè nặng lên người đi vay

Thúy Hà |

Đầu tháng 11, không ít ngân hàng đã cập nhật biểu lãi suất cho vay mới với mức tăng từ 0,5%-1,2% so với đầu tháng Mười và mức trên 10% cũng đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.


Lãi suất huy động được các ngân hàng liên tiếp điều chỉnh tăng trong vòng một tuần qua nhằm giúp giảm căng thẳng về thanh khoản nhưng lại khiến mặt bằng lãi suất cho vay tăng theo, gây áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp và người đi vay.

Tăng lãi suất để giữ chân khách hàng

Sau quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng nhà nước, tuần qua, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm tăng thêm từ 0,3%-1%/năm tùy kỳ hạn.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Với các kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi tiết kiệm dao động từ 4,9%-6%/năm. Với kỳ hạn 6 tháng, mức lãi từ 7,4% đến cao nhất là 8,2%/năm, có sự chênh lệch khá rộng giữa các ngân hàng. Từ kỳ hạn 12 tháng trở lên có mức lãi suất từ 7,6%-8,8%.

Cá biệt, có một số ngân hàng đã đẩy lãi suất lên mức cao với các điều kiện kèm theo. Điển hình là Ngân hàng Quốc Dân hiện có mức lãi suất cao nhất là 10,5%/năm áp dụng đối với sản phẩm tiền gửi An Khang, kỳ hạn 12 tháng, mức gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Tiếp sau đó là VPBank với lãi suất 10,02%/năm dành cho tháng đầu tiên khi gửi tiền kỳ hạn 36 tháng với sản phẩm tiết kiệm gửi góp Prime Savings.

Thậm chí, một số ngân hàng đẩy lãi suất lên mức cao hơn, từ 10,5%-11%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho 3 tháng đầu chứ không áp dụng suốt kỳ hạn gửi, 6 tháng sau hưởng lãi chưa đến 6%/năm, tính bình quân thì thực lãi trong 9-12 tháng chỉ 7%/năm.

Không nằm ngoài cuộc, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước cũng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi thêm 1% trong đợt này, nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.

Tính trung bình lãi suất huy động nhiều kỳ hạn tại các ngân hàng đã tăng từ 1,5%-2%/năm so với hồi đầu năm.

Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại thừa nhận trong các ngày qua, do lãi suất giữa các ngân hàng chênh nhau nên dòng tiền có sự chuyển dịch liên tục từ nơi này đến nơi khác. Một số khách hàng đã rút tiền từ các ngân hàng lớn có lãi suất thấp để gửi vào các ngân hàng thương mại có lãi suất cao hơn. Bởi vậy, sẽ khó tránh được việc một số ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lãi suất huy động để cạnh tranh, thu hút nguồn vốn phục vụ cho nhu cầu cuối năm.

Người đi vay "khóc ròng"

Không khó để nhận thấy chi phí đầu vào của các ngân hàng tăng nhanh sẽ không tránh khỏi những áp lực lên lãi suất đầu ra.

Không ít ngân hàng đã cập nhật biểu lãi suất cho vay mới với mức tăng từ 0,5%-1,2% so với đầu tháng Mười và mức lãi suất trên 10% cũng đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.

Cụ thể, tại VPBank, đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo của khách hàng cá nhân, lãi suất cơ sở thấp nhất là 8,6%/năm dành cho kỳ hạn 1 tháng (kỳ điều chỉnh lãi 1 tháng) và cao nhất là 10,6%/năm dành cho kỳ hạn trên 5 năm đến 10 năm (kỳ điều chỉnh lãi 3 tháng). Tại TPBank, lãi suất cơ sở cho vay khách hàng cá nhân kỳ hạn 1 tháng đang niêm yết ở mức 9,1%, kỳ hạn 3 tháng ở mức 10,1%, các khoản vay 6 tháng đến dưới 1 năm lãi suất cơ sở là 10,2%, kỳ hạn trên 1 năm lãi suất cơ sở đang được niêm yết 10,6%.

Ngoài ra, một số ngân hàng cũng niêm yết biểu lãi suất cơ sở cho vay mới như ACB hiện ở mức 8%/năm; SeABank 9,6%; Eximbank hiện đang dao động trong khoảng 7,8-9,9%; ABBank ghi nhận lãi suất cơ sở cho vay khách hàng ở mức 9,8%/năm; Sacombank hiện đang dao động trong khoảng 6%-8,3%/năm tùy kỳ hạn.

Thông thường các ngân hàng sẽ tính lãi suất cho vay theo công thức lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3%-4%. Như vậy, mức lãi suất cho vay thời gian tới sẽ khó ở dưới 10%/năm, trừ các khoản vay theo chính sách ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên vẫn đang áp dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Giám đốc chi nhánh của một ngân hàng lớn cho rằng lãi suất đầu vào tăng không chỉ làm tăng chi phí kinh doanh mà còn ẩn chứa rủi ro cho ngân hàng lẫn khách hàng. Với mức lãi suất cho vay này, khách hàng có thể không đủ sức chịu đựng, kinh doanh thất bại, ngân hàng sẽ gánh phải nợ xấu.

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Nam (Cầu Giấy-Hà Nội), đầu năm 2021 anh có vay ngân hàng một khoản 1,6 tỷ đồng để mua một căn hộ ở khu vực nội thành, lãi suất ưu đãi năm đầu chỉ 5,6%/năm. Đến nay, thời gian ưu đãi đã gần hết, bước vào giai đoạn thả nổi, cộng thêm tình hình lãi suất liên tục tăng, anh đang rất lo lắng trong việc làm sao đảm bảo thanh toán khoản vay đúng hạn.

Không riêng khoản vay cá nhân, giám đốc một doanh nghiệp vận tải có trụ sở tại Hà Nội cũng cho biết lãi suất vay của công ty ông đã tăng khoảng 2,5% so với đầu năm.

"Với khoản vay gần 2.000 tỷ đồng, mỗi năm công ty tôi phải trả thêm khoản tiền lãi hơn 50 tỷ đồng so với trước,” ông buồn rầu nói.

Sản xuất tại một doanh nghiệp dệt may. (Ảnh: Vietnam+)
Sản xuất tại một doanh nghiệp dệt may. (Ảnh: Vietnam+)

Trong khi đó, cũng theo vị giám đốc này, sức ép chi phí ngày một tăng, ngành logistics lại bị ảnh hưởng vì xuất nhập khẩu vẫn khá trầm lắng, buộc công ty phải tính đến phương án giảm quy mô vốn vay để nhẹ áp lực...

Giới phân tích dự báo lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do áp lực tỷ giá và lạm phát đi cùng yếu tố mùa vụ.

“Từ nay tới cuối năm, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước tăng thêm lãi suất điều hành để hỗ trợ cho tỷ giá, do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn còn kế hoạch tăng cao lãi suất trong 2 cuộc họp chính sách còn lại của năm. Động thái này khiến lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng trong thời gian tới,” bộ phận Chứng khoán Bảo Việt phân tích.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng từng thừa nhận việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vẫn nhấn mạnh trong quá trình điều hành luôn luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các đối tượng ưu tiên, các tổ chức kinh doanh. Các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể tiếp cận với nguồn vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường.

 (Nguồn: Vietnam+)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh các mức lãi suất điều hành

B.T |

Bám sát nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, qua đó ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay

Hà Trang |

Ngày 18/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp thúc đẩy triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng dự hội nghị.

Lãi suất tăng cao, huy động vốn của tổ chức tín dụng vẫn chậm

Thúy Hà |

Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 10,54%, điều này đã khiến cho chênh lệch huy động-tín dụng duy trì ở vùng âm.

Doanh nghiệp lo ngại chịu thêm áp lực từ việc tăng lãi suất

Đức Dũng |

Khi đồng USD tăng giá sẽ kéo theo giá trị của chi phí lãi vay lẫn giá trị nợ gốc của doanh nghiệp đều tăng lên, điều này sẽ khiến doanh nghiệp chịu áp lực kép khi vừa lãi suất tăng, áp lực lỗ tỷ giá.