Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi của người dân trong tháng 4 tiếp tục tăng lên so với tháng trước. Hiện hệ thống ngân hàng đang nắm giữ hơn 6,332 triệu tỷ đồng của người dân.
Tính đến cuối tháng 4, tiền gửi của người dân trong hệ thống ngân hàng tăng thêm 52.000 tỷ đồng so với cuối tháng 3, lên 6,332 triệu tỷ đồng. Con số này tăng 7,96% so với cuối năm 2022, tương ứng 467.000 tỷ đồng. Thế nhưng, đây là tháng có mức tăng chậm nhất kể từ đầu năm đến nay và xu hướng tiền gửi đang tăng chậm dần trong những tháng đầu năm.
Cụ thể, trong tháng 1, lượng tiền gửi tăng 178.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tháng 2 tăng 136.000 tỷ đồng so với tháng 1, tháng 3 tăng 101.000 tỷ đồng so với tháng 2. Đến cuối tháng 4, lượng tiền gửi tăng chỉ còn 1 nửa tháng 3, ở mức 52.000 tỷ đồng.
So với tháng 4/2022, lượng tiền gửi của người dân đã tăng 800.000 tỷ đồng. Nguyên nhân của tình trạng này là do tháng 1 - 2, lãi suất tiết kiệm tiền đồng trên thị trường tăng mạnh, xuất hiện các mức từ 10 - 12 %/năm đã thu hút lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng.
Trong khi đó, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế ngày càng sụt giảm. Cuối tháng 4, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm thêm 9.000 tỷ đồng, lượng tiền gửi còn 5,654 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi tổ chức kinh tế đã giảm 5,02%, tương đương số tiền 299.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống.
Ngoài ra, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán tháng 4 tăng nhẹ, lên 9,28% thay vì mức 9,15% của tháng 3. Dù vậy, so với tháng 1 ở mức 10,6%, tỷ trọng này hiện cũng giảm nhiều hơn.
Tính đến cuối tháng 4, các ngân hàng thương mại cũng đã cho vay ra nền kinh tế 12,285 triệu tỷ đồng, tăng 3,03% so với cuối năm 2022. Như vậy, các nhà băng đã cho vay ra thị trường 361.000 tỷ đồng trong 4 tháng, bình quân mỗi tháng cho vay 90.250 tỷ đồng.
Từ tháng 3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản liên tục 4 lần với mức 0,5-2%/năm. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại hiện ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022). Lãi suất cho vay bình quân tiền đồng ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1% so với cuối năm 2022), theo TPO.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dài tại nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm mạnh từ 1-2,5 điểm phần trăm so với thời điểm cuối tháng 12/2022, về vùng dưới 8 %/năm.
Các ngân hàng tư nhân đang trả lãi suất dao động 7,5-8,1%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Ở nhóm Big 4, lãi suất vẫn ở mức 6,3 %/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Cuối năm 2022, lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục duy trì ở mức cao lên tới 9 - 10 %/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó có ngân hàng nâng mức lãi suất cao nhất lên tới gần 12 %/năm. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất 0,5 - 1 điểm phần trăm ở các kỳ hạn.
Được biết, diễn biến ngược chiều của tiền gửi cá nhân và tiền gửi tổ chức thời gian qua đến từ những thay đổi về lãi suất trên thị trường cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Lãi suất huy động tăng cao đã thúc đẩy người dân gửi nhiều tiền hơn vào ngân hàng trong những tháng đầu năm, đồng thời hạn chế các khoản chi tiêu, đầu tư.
Trong khi ngược lại, lãi suất cho vay cao khiến các doanh nghiệp hạn chế đi vay, phải rút bớt tiền gửi để trang trải cho các hoạt động và đảm bảo thanh khoản. Tình hình kinh doanh khó khăn cũng khiến các doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền trong những tháng đầu năm nay.
Vì vậy, mặc dù tăng trưởng ở khách hàng dân cư khá tích cực nhưng tăng trưởng huy động tiền gửi tổng thể vẫn còn chậm, chỉ đạt 1,1% trong 3 tháng đầu năm. Mức tăng trưởng này cũng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng (2,58%).
(Nguồn: Tổng hợp/ Phụ nữ mới)