Tình trạng thiếu xăng ở Hà Nội là do lượng dự trữ không đủ, xe bồn chở xăng hư hỏng hoặc chưa tới giờ được vào nội đô cấp hàng.
Chia sẻ với Báo Tiền Phong, một đại diện doanh nghiệp cho biết, hiện quận Tây Hồ và Hà Đông (Hà Nội) đang trong tình trạng hết xăng, còn dầu. Lượng dự trữ không đủ, xe bồ chở xăng gặp sự cố chưa thể vào được thành phố để cấp hàng.
Để tìm được những cây xăng còn mở bán, nhiều người dân đã phải gọi tổng đài của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) để tìm chỗ đổ xăng, tránh cảnh hết xăng giữa đường trong buổi tối.
Theo đại diện một doanh nghiệp đầu lớn, việc Bộ Công thương chỉ đạo thêm hạn mức cho một số doanh nghiệp đầu mối đã tạo ra gánh nặng hơn, nhất là nhiều tháng qua xăng dầu liên tục thua lỗ. Chưa kể là biến động tỷ giá, chi phí chưa được tính đủ cũng đang khiến các doanh nghiệp lao đao.
Về phía những doanh nghiệp mới được cấp phép vài năm, và các chủ doanh nghiệp phân phối, tình trạng mất vốn hiện được quan tâm và cần có biện pháp giải quyết sớm nhất.
Đại diện phía các doanh nghiệp xăng dầu cũng chia sẻ, trước đây, việc phân giao tổng nguồn được tính theo năm nhưng hiện tại, Bộ Công thương lại chia doanh nghiệp phải thực hiện theo quý và được phép nhập khẩu hoặc lấy từ nguồn trong nước. Khi cơ quan quản lý giao, doanh nghiệp nhà nước sẽ cố gắng thực hiện nhưng với tư nhân nếu không tháo gỡ khó khăn thì khó có thể đảm bảo.
Xác nhận với PV Tiền Phong ngày 2/11, đại diện liên ngành Sở GTVT - Công an thành phố Hà Nội cho biết, do không thuộc chủng loại xe chuyên chở mặt hàng thiết yếu, xe công ích nên các xe téc chở xăng dầu vào nội thành Hà Nội bị cấm nếu không có giấy phép vào phố cấm.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo Quyết định 24 của UBND thành phố, xe tải dưới 2,5 tấn thuộc nhóm xe công ích (thoát nước, vệ sinh môi trường, xe chữa cháy, chở nông sản…) được phép hoạt động trên đường phố Hà Nội vào ban ngày và ban đêm. Riêng xe tải trên 2,5 tấn, trong đó có xe téc chở xăng dầu muốn vào nội thành (từ Vành đai 3 trở vào) phải có giấy phép vào phố cấm do Công an (với xe dưới 10 tấn) và Sở GTVT (với xe trên 10 tấn) cấp.
Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6 Phòng CSGT Hà Nội, cho biết, xe téc chở xăng dầu thường là xe trên 10 tấn, do Sở GTVT Hà Nội cấp phép hoạt động trên phố cấm. Xe chở xăng dầu vào thành phố chỉ được lưu hành vào ban đêm từ 21h đến 6h sáng hôm sau.
Trước tình trạng trên, Sở Công Thương Hà Nội đã có báo cáo và đề xuất UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành liên quan thực hiện các giải pháp để xe téc có thể tăng tần suất, thời gian vận chuyển xăng, phục vụ các cửa hàng bán lẻ trong khu vực nội đô.
Đại diện Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội vừa có chỉ đạo hỏa tốc về việc này. Cụ thể, trong văn bản hỏa tốc số 11406, gửi Sở Công Thương, GTVT, Công an thành phố… Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo: Chấp thuận nguyên tắc đề xuất của Sở Công Thương về khung giờ vận chuyển xăng dầu của các xe téc tại khu vực nội thành.
UBND thành phố giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Công an Thành phố nghiên cứu, hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện, kiểm soát về số lượng xe, lộ trình, khung giờ vận chuyển và thời gian thực hiện, đảm bảo không gây ùn tắc giao thông; hoàn thành trước ngày 4/11.
Trước đó, Petrolimex đã có công văn gửi tới Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính nhằm đề xuất giải quyết các vấn đề liên quan đến các khoản chi phí tăng bất thường trong giá xăng dầu. Bởi theo dự báo, châu Âu trong thời gian tới sẽ tập trung nhập xăng dầu khiến chi phí từ đó mà ảnh hưởng.
Đại diện phía Petrolimex cho biết, chi phí định mức tính trong giá cơ sở mỗi lít xăng RON 95 hiện nay là 1.050 đồng/lít, xăng E5 RON 92 là 1.250 đồng/lít, dầu diesel là 1.000 đồng/lít, dầu mazut là 544 đồng/lít.
Tuy nhiên, giá thành với mỗi lít xăng của doanh nghiệp hiện ở mức 1.310 đồng//lít với xăng RON 95, 1.434 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và 1.290 đồng/lít với dầu diesel. Chi phí với dầu mazut là 577 đồng/kg.
Đại diện của Petrolimex cũng nói thêm, suốt 9 tháng qua, chi phí kinh doạnh của tập đoàn đã lên 649 tỷ đồng, tương ứng tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Chi phí vận chuyển cũng bị “đội” lên 2 lần làm tăng chi phí lãi vay khoản 60 - 65 tỷ đồng/quý. Thế nên, Petrolimex mới làm đơn kiến nghị Cục Quản lý giá xem xét điều chỉnh chi phí định mức vào kỳ điều hành ngày 01/11.
“Mức chi phí định mức áp dụng trong công thức giá cơ sở đang thấp hơn so với chi phí kinh doanh thực tế bình quân đã được kiểm toán từ 184 - 598 đồng/lít, tương ứng khoảng 13 - 39% đối với giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu và 33 đồng/lít, tương ứng 6% đối với giá bán buôn mặt hàng madut", ông Lưu Văn Tuyển, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết.
Lãnh đạo một đầu mối khu vực miền Nam nhận định, việc trao đổi xăng dầu trong giai đoạn tới sẽ khó khăn bởi Châu Âu đang gia tăng nhập dầu. Trong khi đó, các loại chi phí cao, tỷ giá biến động mạnh sẽ làm các doanh nghiệp xăng dầu trong nước chịu nhiều áp lực, càng nhập thì càng lỗ.
(Nguồn: Phụ nữ mới)