Một nửa nền nông nghiệp Quảng Trị trước nguy cơ vỡ đập

Lâm Chí Công |

Cơn đại hồng thuỷ ở các tỉnh miền Trung nói chung và Quảng Trị nói riêng trong những ngày đã làm cho hàng triệu người lâm vào cảnh khó khăn, mất mát.

Xanh EWEC xin đăng lại bài viết của nhà báo Lâm Chí Công trên Báo Lao Động về vấn đề đê điều, thuỷ lợi trong mùa mưa lũ. Bài viết vẫn đang còn rất thời sự.

Trong hai ngày (3 và 4.7), đoàn công tác gồm các nhà khoa học đầu ngành thủy lợi của Việt Nam đã đến hiện trường công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn (phía nam tỉnh Quảng Trị) để khảo sát tình trạng nguy cấp của tràn xả lũ Nam Thạch Hãn. 
 
 Các chuyên gia đầu ngành thủy lợi Việt Nam khảo sát hiện trường đập tràn Nam Thạch Hãn (chụp chiều 3.7.2018). Ảnh: N.P

“Không thể cứ mỗi năm ném mươi, mười lăm tỉ cho việc “khắc phục bão lũ” tại công trình này” - GS-TS Phan Sỹ Kỳ (nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT) nói.

Nghe tiếng nước chảy trong thân đập

Đất nước thống nhất chưa được 3 năm, tháng 3.1978, tỉnh Quảng Trị dốc toàn bộ nhân lực làm ngày làm đêm cho đại công trường thủy nông Nam Thạch Hãn.

Và cũng phải 3 năm sau, công trình đập đất vĩ đại trên quê hương cố Tổng Bí thư Lê Duẩn mới hoàn thành, phục vụ tưới cho gần 20.000ha đất canh tác của 3 huyện, thị phía nam tỉnh Quảng Trị, tạo nguồn cung cấp cho 200ha nuôi trồng thủy sản vùng đất nhiễm mặn và cấp nước cho gần 90.000 hộ dân vùng hạ du sông Thạch Hãn.

“Công trình đã tạo ra giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm đến 55% tổng nền nông nghiệp Quảng Trị. Đó không chỉ là một hệ thống thủy nông đơn thuần cung cấp nước tưới, nó còn là nguồn sống, sinh kế của hàng nghìn người, còn là túi nước điều hòa không khí của cả một vùng khí hậu phức tạp, cực đoan” - kỹ sư thủy lợi Nguyễn Văn Bài - nguyên Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị - nhấn mạnh.

Số liệu do các cơ quan thuộc Bộ NNPTNT khảo sát, kiểm chứng hiện trường cho thấy: Sau gần 40 năm hoạt động, đến nay chất lượng của đập tràn xả lũ Nam Thạch Hãn đang đứng trước nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến an toàn, ổn định của công trình.

Trong vài năm gần đây với tình trạng lượng mưa và nước đổ về không quá lớn (như lý thuyết thiết kế) nhưng thân đập đã liên tục xảy ra những sự cố nghiêm trọng; đặc biệt năm 2016, nước tràn đã làm phá vỡ bêtông sân tiêu năng trên diện tích 1.000m2, sâu trung bình 2m, có chỗ sâu nhất lên đến 3,5m; nứt hở cốt thép...

Từ đó đến nay, thân đập tràn luôn trong tình trạng bị thấm, đo siêu âm nghe tiếng nước chảy trong thân đập... “Các hạng mục thuộc tràn xả lũ đã bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là chế độ thủy lực ở sân tiêu năng và hạ lưu lòng sông là dòng chảy xiết, lòng dẫn bị xói lở mãnh liệt; nền tràn bị rỗng do các trận lũ ở giai đoạn thi công trước đây được đắp lại bằng vật liệu cát và đến nay bị dòng thấm cuốn trôi, hình thành các khe rỗng trong nền, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn, ổn định chung của đập” - các nhà khoa học đầu ngành thủy lợi Việt Nam thống nhất kết luận.

Không thể đầu tư hàng chục tỉ để... lũ cuốn

Với lý do nguồn lực tài chính khó khăn, cơ quan tư vấn và UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị trung ương quan tâm đầu tư để sửa chữa tràn xả lũ Nam Thạch Hãn theo hướng phân kỳ đầu tư, trước mắt đầu tư ngay để ứng phó với mùa mưa lũ 2018.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Đồng Văn Tự đồng quan điểm khi khuyến cáo các chuyên gia thủy lợi rằng cần tập trung góp ý cho các giải pháp để ứng phó, đảm bảo an toàn đập trước mùa mưa lũ 2018 này.

Ông Nguyễn Văn Bài - nguyên Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị - nói: “Nam Thạch Hãn có tuổi đời bằng với tuổi nghề thủy lợi của tôi. Ngày mới ra trường, tôi về công trường vừa khởi công. Từ đó đến nay, tôi sâu sát và hiểu rõ từng ngóc ngách của đại công trình này.

Theo tôi cần có giải pháp sửa chữa đồng bộ, toàn diện cho thân đập, không thể tính chuyện đầu tư 10, 15 tỉ để khắc phục những chỗ hư hỏng để đối phó với mỗi mùa mưa bão như hiện tại. Lý do: Mỗi lần thi công là rất khó khăn (do nước vận hành) và cứ làm nhỏ giọt thì mưa lũ lần sau lại cuốn trôi số tiền đã “chắp vá” đó”.

Mạnh mẽ, quyết liệt và đầy kiên định GS-TS Phan Sỹ Kỳ nhấn mạnh: “Tôi phản đối cách đề xuất tìm giải pháp để cứu thân đập trước mùa mưa lũ 2018 mà không tính đến giải pháp tổng thể sửa chữa, đại tu toàn bộ thân đập. Vẫn có thể phân kỳ đầu tư, nhưng phải bảo đảm hạng mục thi công năm sau không bỏ đi phần đã thi công năm trước, hoặc phải bảo đảm phần đã thi công trước không bị mưa lũ cuốn đi”.

GS-TS Nguyễn Quốc Dũng - Viện trưởng Viện Thủy công (Bộ NNPTNT) ủng hộ quan điểm đó của GS-TS Phan Sỹ Kỳ đồng thời khuyến cáo các cơ quan chức năng phải đặc biệt lưu tâm thực trạng nguy cơ cấp bách của thân đập tràn Nam Thạch Hãn mà các cơ quan kiểm định chất lượng đã đưa ra.

Các chuyên gia khác gồm GS-TS Nguyễn Chiến (nguyên Chủ nhiệm khoa Công trình Đại học Thủy lợi) và PGS-TS Nguyễn Cảnh Thái (Phó Hiệu trưởng Đại học Thủy lợi) đều bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về những nguy cơ đe dọa an toàn đập tràn Nam Thạch Hãn sau khi tận mắt thực địa công trình vào chiều 3.7.

(Bài đăng trên Bao Lao động 7/2018)

TAGS

Hội tụ sức mạnh đoàn kết, đánh thức khát vọng cống hiến và chinh phục để làm nên sự phát triển của Quảng Trị

Phương Nam (thực hiện) |

PV: Đầu tiên xin chúc mừng đồng chí đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy. Thưa đồng chí, nhìn lại kết quả đạt được của Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị khóa XVI, chúng ta có thể tự hào về điều gì?

Nhóm công nhân ở Thủy điện Rào Trăng 3 đã an toàn

PV |

40 công nhân ở nhà máy Rào Trăng 3 (trong đó có 3 chuyên gia Ấn Độ) đã đi đường rừng về đến nhà máy Rào Trăng 4.

Nỗ lực căng mình khôi phục cấp điện trở lại trong mưa lũ

Minh Thành |

Ngập úng và sạt lở do mưa lớn, lũ chồng lũ trong mấy ngày qua gây nên nhiều sự cố lưới điện, hơn 130.000 hộ dân bị mất điện. Hàng trăm cán bộ, công nhân ngành Điện tỉnh Quảng Trị căng mình khôi phục cấp điện trở lại.

Ông Vương Đình Huệ tái đắc cử Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XVII

Thanh Mai |

Theo kết quả công bố tại Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội sáng 13/10, ông Vương Đình Huệ được bầu làm Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XVII.