Một số chính sách nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020 (từ ngày 01 - 10/8/2020).
Phạm vi tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của công an cấp huyện
Thông tư 65/2020/TT-BCA về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT có hiệu lực từ ngày 05/8/2020.
Theo đó, công an cấp huyện bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính, gồm:
- Các tuyến quốc lộ, đoạn quốc lộ không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư này;
- Các đoạn quốc lộ thuộc các tuyến quốc lộ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư này đi qua thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện theo kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng phòng CSGT;
- Các tuyến đường tỉnh; đường huyện; đường xã; đường chuyên dùng; đường đô thị không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư này;
- Phối hợp với Phòng CSGT tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính theo kế hoạch của Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng phòng CSGT.
Thay đổi màu nền biển số xe hoạt động kinh doanh vận tải
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 58/2020/TT-BCA về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.
Theo đó, xe hoạt động kinh doanh vận tải của tổ chức, cá nhân trong nước sẽ có sự thay đổi sau:
- Biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen sêri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z (hiện tại biển số nền màu trắng);
- Nếu đang hoạt động kinh doanh vận tải trước ngày 01/8/2020 thì phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng trước ngày 31/12/2021.
Điều kiện làm việc trên tàu biển Việt Nam của thuyền viên nước ngoài
Theo Thông tư 43/2019/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 17/2017/TT-BGTVT về điều kiện để thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 01/8/2020), một số điều kiện được sửa đổi như sau:
- Đối với trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động (GPLĐ) thì phải có văn bản xác nhận do Cục Việc làm Bộ LĐ-TB&XH, các Sở LĐ-TB&XH cấp (hiện hành không quy định);
- Hợp đồng lao động thuyền viên phải phù hợp với GPLĐ hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ;
- Hộ chiếu còn thời hạn ít nhất 6 tháng do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà thuyền viên đó mang quốc tịch cấp (hiện tại không quy định thời hạn này);
- Yêu cầu về kinh nghiệm của thuyền viên: đã có thời gian đi biển tối thiểu 36 tháng;
- Chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà Việt Nam ký thỏa thuận công nhận chứng chỉ chuyên môn theo Công ước STCW thì mới phải có Giấy công nhận Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn.
Từ 31/12/2021, chủ xe phải tự trả chi phí gắn thẻ đầu cuối lần đầu
Quyết định 19/2020/QĐ-TTg về thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.
Theo đó, phương tiện giao thông đường bộ thuộc đối tượng chịu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và các phương tiện được miễn phí sử dụng dịch vụ đường bộ phải được gắn thẻ đầu cuối.
Chủ phương tiện không phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho lần lắp đặt đầu tiên trước ngày 31/12/2021; từ ngày 31/12/2021 trở đi thì phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí.
Ngoài ra, Quyết định 19 còn quy định về tiến độ thực hiện việc thu phí điện tử không dừng đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
(Nguồn: Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh)