Có một người đã nhận vơ phần lời cho nên nhạc sĩ Văn Cao đã phải đâm đơn kiện lên tòa án để đòi bản quyền.
Tiến quân ca hay Quốc ca Việt Nam của nhạc sĩ Văn Cao được coi như một niềm tự hào của dân tộc, nhân dân Việt Nam. Thế nhưng ít ai biết rằng, nhạc sĩ Văn Cao từng phải "vác đơn đi kiện" từng phải kiện để đòi bản quyền của ca khúc này.
Chia sẻ với Dân Việt, Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng cho biết: Có một người tên là Đ.H.I đã mạo nhận lời "Tiến quân ca" là của ông ta viết. Vì thế mà cụ Văn Cao đã quyết định đòi lại cho bằng được.
Nhạc sĩ Văn Thao - con trai của nhạc sĩ Văn Cao, cho biết ca khúc Tiến quân ca được bố ông viết tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội). Ông có viết lại trong một ghi chép tháng 7 năm 1976 như sau: "… Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường Phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta, trong khóa quân chính đầu tiên ấy, và biết họ hát như thế nào. Ở đây đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ có thể hát được...".
Nhạc sĩ Văn Cao nói rằng, tên bài hát và lời ca là một sự tiếp tục từ ca khúc "Thăng Long hành khúc ca" trước đó: "Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng" và bài Đống Đa: "Tiến quân hành khúc ca, thét vang rừng núi xa"...
Ông đã rút lại những ca từ trong bài hát đó thành Tiến quân ca. Phần ca từ trong bài hát ở thời điểm mới ra đời có nhiều khác biệt so với sau này như câu kết: "Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là nơi đây ước nguyền!" được Văn Cao sửa thành "Núi sông Việt Nam ta vững bền",
Tuy nhiên, khi xuất bản thành "Quốc ca", ai đó đã sửa thành "Nước non Việt Nam ta, vững bền!". Việc này, theo nhạc sĩ Văn Cao: "Với một ca khúc đòi hỏi trang nghiêm, chữ "nước non" hát lên bị yếu. Chữ "núi sông" hát khỏe và hùng tráng hơn".
Ngày 17 tháng 8 năm 1945, ca khúc được hát trước quần chúng lần đầu tiên tại một cuộc mít-tinh của công chức Hà Nội bởi nhạc sĩ Phạm Duy.
(Nguồn: Phụ nữ mới)