Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 29/6, có hiệu lực từ 1/7/2025 với nhiều thay đổi lớn.
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 sẽ tăng thêm nhiều quyền, lợi ích cho người tham gia bảo hiểm xã hội.
Ngừng rút một lần với người bắt đầu đóng từ 1/7/2025
Luật sửa đổi được Quốc hội thông qua với quy định ngừng giải quyết Bảo hiểm xã hội một lần cho người gia nhập hệ thống từ ngày 1/7/2025, trừ một số trường hợp quy định. Lao động tham gia trước thời điểm trên, đóng BHXH dưới 20 năm, sau 12 tháng nghỉ việc vẫn được rút nếu có yêu cầu.
Đối với nhóm người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (từ 1/7/2025) sẽ không được nhận bảo hiểm xã hội một lần theo điều kiện này (chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài để định cư hoặc đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS hoặc người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng).
Giảm điều kiện được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc tham gia không liên tục có cơ hội tích lũy đủ 15 năm đóng (thay vì 20 năm như quy định hiện hành) để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì phải nhận bảo hiểm xã hội một lần. Quy định về số năm đóng tối thiểu này không áp dụng với người hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng quy định tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam và lao động nữ có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, quy định mức tối đa là 75% đồng thời quy định việc tính mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên nhưng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam dưới 15 năm thì mỗi năm đóng trong thời gian này được tính bằng 2,25%.
Điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu của nam
Luật sửa đổi điều chỉnh bằng quy định lao động nam tham gia từ đủ 15 đến dưới 20 năm thì mức hưởng bằng 40% bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội. Mỗi năm đóng thêm hưởng 1%. Từ năm thứ 20 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu là 45%, cứ mỗi năm tính thêm 2% cho đến khi hưởng tối đa 75%.
Lao động nữ đủ tuổi nghỉ hưu, tham gia Bảo hiểm xã hội 15 năm mức hưởng được tính bằng 45% bình quân tiền lương làm căn cứ đóng. Mỗi năm sau đó hưởng thêm 2% cho đến khi đạt mức tối đa 75%.
Như vậy, cùng đóng 15 năm Bảo hiểm xã hội nhưng lao động nam hưởng 40% trong khi nữ là 45%. Tỷ lệ tích lũy lương hưu của nam giới từ năm 15 đến dưới 20 năm đóng là 1% trong khi nữ là 2%. Từ năm thứ 20 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu của hai giới mới đồng đều 2%. Muốn hưởng lương hưu tối đa 75% thì nữ vẫn đóng 30 năm và nam 35 năm. Người về hưu trước tuổi vẫn bị trừ mỗi năm 2%.
Thay đổi mức lương làm căn cứ đóng BHXH lao động doanh nghiệp
Luật sửa đổi điều chỉnh mức lương làm căn cứ đóng BHXH của lao động trong doanh nghiệp là tiền lương tháng, gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương. Như vậy tiền tính đóng bao gồm cả khoản xác định được trước lẫn biến động trong quá trình làm việc của lao động.
Cơ quan soạn thảo kỳ vọng chính sách giúp thu đúng thu đủ nhằm nâng nền đóng để sau này tiền lương hưu cao hơn. Quy định xuất phát từ thực tế nhiều doanh nghiệp "chia năm xẻ bảy" thu nhập lao động thành nhiều khoản để giảm chi phí đóng góp vào quỹ. Lao động thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng song tiền đóng BHXH bình quân chỉ khoảng 5,7 triệu đồng, nhỉnh hơn lương tối thiểu vùng.
Tiền lương đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần khoản này. Theo quy định tham chiếu không thấp hơn lương cơ sở, từ 1/7/2024 là 2,34 triệu đồng. Nếu quy định giữ nguyên cho tới khi luật có hiệu lực thì tiền đóng BHXH bắt buộc thấp nhất là 2,34 triệu đồng và cao nhất là 46,8 triệu đồng mỗi tháng.
Một số nhóm mới được bổ sung vào diện đóng bắt buộc, như chủ hộ của hộ kinh doanh có đăng ký, quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương... được chọn mức đóng thấp nhất bằng tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần khoản trên. Sau 12 tháng tham gia được chọn lại mức đóng. Lao động tham gia BHXH tự nguyện chọn mức đóng thấp nhất bằng chuẩn nghèo nông thôn và cao nhất bằng 20 lần tham chiếu.
Tiền đóng của lao động khu vực công là tiền lương tháng theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, thâm niên vượt khung, thâm niên nghề (nếu có). Bình quân tiền lương đóng BHXH của nhóm này đạt 6,9 triệu đồng mỗi tháng, sắp tới tăng mạnh khi lương cơ sở điều chỉnh 30%.
Bổ sung tầng hưu trí
Cụ thể, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung chương III về trợ cấp hưu trí xã hội.
Luật quy định chế độ trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước bảo đảm trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi.
Theo đó, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi từ đủ 75 tuổi trở lên và không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.
Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Bổ sung quy định xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội; quy định cụ thể hành vi chậm đóng, hành vi trốn đóng đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Luật mới quy định cụ thể biên pháp xử lý đối với hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội và trốn đóng bảo hiểm xã hội: bắt buộc đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Riêng đối với hành vi trốn đóng còn có biện pháp mạnh là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, không kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.
Kinh phí thực hiện trợ cấp này do Ngân sách nhà nước bảo đảm và Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
(Nguồn: Phụ nữ mới/ Tổng hợp)