Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức

Phương Minh |

 

Trong 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2024, nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 9 được các đại biểu dự Hội nghị lần thứ 17, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị khóa XVII bàn thảo sâu.

Đó là phải nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, năng lực điều hành, quản lý của chính quyền các cấp và người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong toàn hệ thống chính trị; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Chấn chỉnh và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; nâng cao ý thức, trách nhiệm và chất lượng tham mưu, giải quyết công việc gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm...

Có một thực tế Quảng Trị là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, nhưng cũng là địa phương có khó khăn về cơ sở hạ tầng; quy mô nền kinh tế còn nhỏ. Các công trình trọng điểm của tỉnh như các dự án: Cảng hàng không Quảng Trị, Cảng biển Mỹ Thủy, Khu công nghiệp Quảng Trị, Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1; Hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào qua Cửa khẩu quốc tế La Lay, Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây, Đường tránh phía Đông TP. Đông Hà... đang triển khai xây dựng, chưa mang lại động lực cũng như nguồn thu ngân sách cho tỉnh.

Trong ngổn ngang đại công trình xây dựng trên toàn tỉnh hiện nay, có những “điểm nghẽn” như công tác giải phóng mặt bằng chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, một số dự án cấp chủ trương đầu tư đã lâu vẫn chưa triển khai... kéo theo rất nhiều hệ lụy cho sự phát triển.

Một vấn đề đặt ra hiện nay là năng lực, đạo đức công vụ của công chức, viên chức khi thực thi công vụ cần được giám sát chặt chẽ, bởi đây đó vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức chưa tích cực trong thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng; ứng xử, hỗ trợ nhà đầu tư trong thủ tục đầu tư chưa tốt, còn để các nhà đầu tư phiền lòng, phản ánh với lãnh đạo tỉnh.

Khác với các tỉnh, thành phố lớn ở trong nước có điều kiện để thu hút đầu tư, đối với địa bàn tỉnh Quảng Trị, do còn nhiều khó khăn trong kết cấu hạ tầng, xa các trung tâm lớn, khí hậu khắc nghiệt... nên việc thu hút được nhà đầu tư lớn vào đầu tư cần có cách tiếp cận tốt hơn. Tuy nhiên, do cải cách hành chính, thủ tục hành chính chưa được khai thông; thái độ làm việc của một số cán bộ, công chức chưa gây được thiện cảm, thậm chí còn gây nản lòng nhà đầu tư. Vấn đề đặt ra là phải tìm cho ra những con người, địa chỉ cụ thể để có biện pháp xử lý, không để ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư của tỉnh.

Trong phát triển KT-XH, do những yếu tố khách quan, bất khả kháng thì đã đành, còn do các nguyên nhân chủ quan kéo dài là điều đáng trách. Trong nhiều báo cáo tại các hội nghị, những con số, chỉ số đưa ra cần phải tính toán kỹ, không thể chỉ đưa ra các con số để làm đẹp, trong khi những hạn chế, yếu kém thì kéo dài từ năm này qua năm khác vẫn chưa được khắc phục.

Điều đó thể hiện qua các chỉ số như: năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh ngày càng sụt giảm; thủ tục cấp phép đầu tư còn kéo dài; một số dự án đã cấp phép đầu tư nhưng chậm triển khai, có dự án nhiều năm gia hạn mà vẫn không triển khai thực hiện, gây lãng phí tài nguyên đất đai; trong khi đó nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, xúc tiến đầu tư không có đủ diện tích đất để cấp phép đầu tư.

Để chấn chỉnh, siết chặt tình trạng này, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Cần quy trách nhiệm cụ thể cho những người được giao việc cụ thể, cuối cùng là trách nhiệm của người đứng đầu. Lâu nay, trong các báo cáo chỉ nói chung chung những hạn chế, yếu kém trong thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức nhưng chưa chỉ ra cụ thể đó là ai, bộ phận nào, phương pháp xử lý ra sao.

Phải rà soát lại các nhiệm vụ, đầu việc trọng tâm đã được nêu trong các kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo các dự án động lực cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng tỉnh liên quan đến nhiệm vụ phát triển KT-XH của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị để chỉ đạo thực hiện. Tập trung thực hiện các nội dung hoàn thành đạt thấp hoặc chưa triển khai để bổ sung kế hoạch, giải pháp, phân công cụ thể cho các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024, từ đó chỉ đạo kịp thời những trường hợp có khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra.

Trong đó việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức là một nội dung quan trọng cần tập trung chỉ đạo, giám sát. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc một cách tích cực, quyết liệt trong vận động, thu hút đầu tư; làm việc với các nhà đầu tư chiến lược, thông qua các hoạt động ngoại giao phục vụ phát triển KT-XH.

Tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đẩy nhanh thực hiện các công trình, dự án động lực, trọng điểm. Tích cực tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Huy động tối đa nguồn vốn ngân sách cho đầu tư phát triển; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án hạ tầng quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH.

Thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp. Đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, đặc biệt là Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Muốn đạt được các mục tiêu trên, rất cần sự năng động, mẫn cán của đội ngũ cán bộ, công chức; sự quan tâm chỉ đạo sát sao của người đứng đầu các ngành, địa phương. Cùng với biện pháp luân chuyển vị trí công tác cán bộ, phát huy năng lực của mỗi cán bộ có chuyên môn cao ở các vị trí công việc quan trọng, cũng cần xử lý nghiêm khắc cán bộ, công chức có vi phạm, khuyết điểm.

Có xử lý nghiêm những cán bộ, công chức lợi dụng vị trí công tác để nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân, đòi chi phí bôi trơn... thì mới có thể nói đến tạo môi trường đầu tư tốt cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư vốn sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển, sớm đạt được mục tiêu trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình cao của cả nước vào năm 2025.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Phương Minh |

 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị vừa ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chỉ thị đề cập nhiều vấn đề, bài viết này chỉ nói về trách nhiệm công vụ, mối quan hệ giữa cán bộ, công chức, viên chức với các cơ quan, đơn vị trong cải cách hành chính (CCHC).

Hơn một tháng, xử lý 192 Đảng viên, cán bộ và công chức vi phạm nồng độ cồn

PV |

Cục Cảnh sát Giao thông cho biết, từ ngày 30/8 đến 5/10, 6 tổ công tác của Cục phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an đã kiểm tra tại 45 tỉnh, thành phố. Kết quả đã trực tiếp kiểm soát 150.763 phương tiện, phát hiện và bàn giao cho Công an địa phương xử lý 5.284 trường hợp vi phạm.

Chính phủ ban hành 42 nghị định về quản lý cán bộ, công chức

PV |

Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý cán bộ, công chức là nội dung và yêu cầu có tính quyết định; công tác xây dựng thể chế là nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ. Vì vậy, Chính phủ luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao và ưu tiên trong công tác xây dựng thể chế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

141 thí sinh dự tuyển kỳ tuyển dụng công chức tỉnh lần thứ 33

Tiến Nhất |

Ngày 29/7, Hội đồng tuyển dụng công chức tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc kỳ tuyển dụng công chức tỉnh lần thứ 33. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đến dự.