Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị vừa ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chỉ thị đề cập nhiều vấn đề, bài viết này chỉ nói về trách nhiệm công vụ, mối quan hệ giữa cán bộ, công chức, viên chức với các cơ quan, đơn vị trong cải cách hành chính (CCHC).
Đánh giá về nhiệm vụ cải cách CCHC thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận định, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 4/11/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh CCHC tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021- 2025 và các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh có liên quan, công tác CCHC được các cấp, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác, kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC vẫn còn có mặt chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Việc lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện các giải pháp đẩy mạnh CCHC ở một số ngành, địa phương còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là hỗ trợ thủ tục đầu tư đối với các dự án tiềm năng chưa thật sự hiệu quả.
Còn xảy ra tình trạng chậm trễ, đùn đẩy trong thực hiện các chủ trương, kết luận chỉ đạo của cấp trên và nhiệm vụ được giao, ảnh hưởng nhất định đến chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành. Các chỉ số về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đều có tình trạng năm sau tụt thứ hạng so với năm trước.
Như vậy, có thể thấy một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, thiếu gương mẫu trong thực thi công vụ; chất lượng tham mưu, hiệu quả triển khai nhiệm vụ và trình độ, năng lực có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; có tính né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Sự phối hợp giữa một số ngành, đơn vị, địa phương trong tham mưu giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính liên thông chưa đồng bộ, thống nhất dẫn đến tình trạng trễ hạn trong giải quyết và trả hồ sơ; chưa ràng buộc trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Có nơi người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Để đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm công vụ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cần tập trung thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư.
Trước hết, cần đổi mới phương thức, lề lối làm việc, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, đề cao tinh thần phục vụ Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, sử dụng hiệu quả thời gian làm việc; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo cấp dưới phục tùng nghiêm sự chỉ đạo của cấp trên.
Chú trọng kiểm tra, giám sát thực hiện công vụ, đạo đức công vụ, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; đối xử công bằng, bình đẳng, khách quan với các doanh nghiệp.
Phát huy vai trò trách nhiệm, nêu gương của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; không né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc thuộc thẩm quyền lên cấp trên hoặc sang cơ quan, đơn vị khác. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, lĩnh vực phụ trách.
Mặt khác, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; coi việc đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức cung cấp dịch vụ công là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
Tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, thanh tra công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức; chấn chỉnh, xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)