Tiếp theo kỳ trước
* Ông NGUYỄN NGỌC TRI, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể dục thể thao huyện Hướng Hóa:
Chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng chương trình phát thanh - truyền hình ở miền núiTôi mong muốn Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có chính sách phù hợp để kịp thời triển khai thực hiện Quyết định số 308/QĐ-TTg, ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Quản lý hoạt động truyền thanh, truyền hình cấp huyện đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong đó, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, truyền dẫn phát sóng, nâng cao chất lượng chương trình phát thanh - truyền hình. Quan tâm đầu tư xây dựng mới Trung tâm VHTT-TDTT huyện (bao gồm hội trường lớn, khối nhà làm việc và tổ chức các sự kiện quan trọng của huyện); đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ phát thanh truyền hình tại huyện (máy phát sóng truyền dẫn, máy quay camera HP, máy ghi âm, máy tính cấu hình lớn để sản xuất chương trình truyền hình...).
Quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 201/NQ-HĐND, ngày 16/7/2018 của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị về “Đầu tư, nâng cấp đài truyền thanh cơ sở tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2025”; phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ phủ sóng phát thanh, truyền hình toàn huyện, các xã, thị trấn có đài truyền thanh cơ sở và khu dân cư có hệ thống cụm loa truyền thanh đạt 100%. Hỗ trợ huyện miền núi cơ sở vật chất, cải thiện, nâng cao các thiết chế văn hóa, thể thao.
* Chị NGUYỄN THỊ HẢO, chủ cơ sở sản xuất miến gạo Loan Hảo, thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh:
Mong muốn hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuấtThôn Hiền Lương, xã Hiền Thành có nghề làm bún, bánh nhưng đang bị mai một dần. Ban đầu, khi khởi nghiệp với sản phẩm miến gạo, tôi gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, tôi đã tận dụng những lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương để biến khó khăn, thách thức thành thuận lợi. Địa phương độc canh cây lúa nên tôi có nguồn nguyên liệu dồi dào. Nguồn lao động nhàn rỗi ở địa phương cũng rất đông. Cùng với đó là sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, sở, ban, ngành các cấp nên bên cạnh đầu tư chất lượng, tôi mạnh dạn sáng tạo đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã, bao bì. Nhờ vậy, sản phẩm miến gạo Loan Hảo không những được ưa chuộng ở thị trường trong tỉnh mà còn được tiêu thụ ở các tỉnh miền Trung và phía Nam.
Thời gian tới, tôi mong muốn tạo nhiều công ăn việc làm cho chị em phụ nữ trong địa phương; thu mua nông sản của nông dân với giá cả ổn định; tận dụng đất đai để thâm canh cây lúa, cung cấp nguyên liệu sản xuất miến gạo… Tuy nhiên nguồn vốn của chúng tôi còn hạn hẹp nên rất mong được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường và thực hiện tốt kế hoạch kinh doanh.
* Nghệ nhân ưu tú MAI HOA SEN ở thôn A Pun, xã Tà Rụt, huyện Đakrông:
Cần bảo tồn và phát huy giá trị các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thốngHiện nay, nhiều bản sắc văn hóa của người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Quảng Trị đang có nguy cơ bị mai một, trong đó có các làn điệu dân ca và nhạc cụ truyền thống.
Để không bị mất đi một phần vốn quý văn hóa phi vật thể, tôi rất mong Đảng, Nhà nước quan tâm có chính sách khuyến khích, hỗ trợ về kinh phí để động viên đối với những người có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật lời, ý nghĩa các bài dân ca cũng như sáng tác dân ca, chế tác nhạc cụ. Nhân rộng các câu lạc bộ dân ca, nhạc cụ truyền thống tạo điều kiện cho nghệ nhân và lớp trẻ thường xuyên gặp gỡ, truyền nghề, trao đổi kinh nghiệm; khơi dậy tình yêu dân ca, đam mê sáng tác dân ca, chế tác nhạc cụ. Thành lập các đội bảo tồn dân ca và nhạc cụ truyền thống có sự tham gia của những nghệ nhân tiêu biểu để nghiên cứu, ghi chép, dịch thuật lại những bài dân ca cổ, tìm kiếm, giữ gìn nhạc cụ quý hiếm. Hỗ trợ các loại nhạc cụ như cồng chiêng, thanh la, trống… để giúp các đội cồng chiêng có đủ nhạc cụ sinh hoạt vào các dịp lễ, tết. Lựa chọn một số bài dân ca phù hợp đưa vào trường học, diễn giải giúp các học sinh hiểu được lời, ý nghĩa của dân ca truyền thống, từ đó giáo dục các em việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
* Chị NGUYỄN THỊ KIỀU OANH, Bí thư Đoàn thanh niên xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh:
Cần quan tâm hỗ trợ giải quyết việc làm tại chỗ cho đoàn viên thanh niênTôi mong muốn nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh quan tâm, có chủ trương ưu tiên giải quyết việc làm tại chỗ cho đoàn viên thanh niên thông qua một số chính sách như đào tạo nghề, hỗ trợ kịp thời các nguồn vốn vay, phát huy tiềm năng lợi thế của các vùng miền để tạo ra nhiều việc làm nhằm giữ lực lượng trẻ ở lại địa phương, xây dựng phát triển kinh tế cho quê hương, vừa xây dựng lực lượng đoàn thanh niên vững mạnh. Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, các cấp ủy đảng cần chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ trẻ, đảm bảo tính kế thừa để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng thời chăm lo hơn nữa đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên thanh niên. Để tạo điều kiện hoạt động đoàn cấp cơ sở, tỉnh cần có cơ chế tăng kinh phí hoạt động cho các chi đoàn xã, phường, thị trấn và bổ sung kinh phí hoạt động cho các chi đoàn trường học.
* Ông NGUYỄN VIẾT TƯỚC, Trường TH và THCS Hải Vĩnh, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng:
Cần quan tâm hơn đến việc dạy bơi cho trẻ emHơn 10 năm trước, để giúp các em biết bơi và tự bảo vệ bản thân khi xuống nước, tôi trình bày nguyện vọng với chính quyền địa phương rồi mở lớp dạy bơi cho các em nhỏ vào mùa hè. Tuy “hồ bơi” là những kênh mương nhỏ, trang thiết bị thiếu thốn nhiều nhưng hầu hết các em sau vài buổi học đã tự tin bơi lội và có thể tự bảo vệ mình khi xuống nước.
Tôi mong muốn trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ quan tâm hơn đến việc dạy bơi cho trẻ em và cả người lớn; trang bị đầy đủ kỹ năng phòng, chống đuối nước cho người dân. Hiện nay tại các địa phương, việc dạy bơi chủ yếu do các cá nhân tự đứng ra mở lớp. Vì thế, tôi mong muốn chính quyền, ban, ngành các cấp tạo điều kiện về mặt pháp lý để họ có điều kiện mở lớp dạy bơi, đồng thời hỗ trợ các địa phương xây dựng bể bơi, trang bị các vật dụng cần thiết để việc dạy bơi được tốt hơn.
* Bà HỒ THỊ THANH THỦY, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa:
Quan tâm giải quyết việc làm, thu hút nhân tài đối với con em dân tộc thiểu sốTrước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025, tôi mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách về phát triển giáo dục nói chung, các chính sách giáo dục đối với cán bộ, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng. Giải quyết việc làm, thu hút nhân tài đối với con em DTTS sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học và học nghề.
Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề ở vùng DTTS. Hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp, tạo việc làm tại chỗ giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thực sự yên tâm gắn bó và hứng thú tham gia các hoạt động, phong trào thi đua tại địa phương. Có chính sách dạy và học tiếng nói, chữ viết DTTS phù hợp. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục; hỗ trợ về sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh vùng DTTS.
* Ông DƯƠNG TRUNG CHÍ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Triệu Phong:
Mong muốn đại hội sẽ đề ra những chủ trương, giải pháp đúng đắn, phù hợp với lòng dân, ý ĐảngTôi kỳ vọng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là những người đủ đức, đủ tài, giương cao ngọn cờ đoàn kết, thống nhất trong hành động, gắn bó mật thiết với Nhân dân, đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết để lãnh đạo xây dựng tỉnh nhà phát triển tiến kịp với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo đó, đại hội sẽ đề ra những chủ trương, giải pháp đúng đắn, phù hợp với lòng dân, ý Đảng để phát huy tối đa nguồn lực, tiềm lực, biến những bất lợi thành tiềm năng lợi thế của tỉnh, đưa tỉnh Quảng Trị ngày càng phát triển.
* Ông HỒ SỸ PHÙNG, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin, Thể dục thể thao huyện Đakrông:
Cần có chính sách xây dựng, gìn giữ, phát triển bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa KôTôi mong muốn Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 quan tâm bàn thảo đưa ra những chủ trương, chính sách mang tính đặc thù để phát triển kinh tếxã hội, nâng cao dân trí cho người dân miền núi, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vì hiện nay một bộ phận khá lớn người dân ở miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Căn cứ các nghị quyết của Đảng bộ đề ra, các cấp chính quyền ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, giải quyết việc làm… để đẩy nhanh thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới ở miền núi.
Riêng đối với lĩnh vực văn hóa, tỉnh cần tăng cường công tác chỉ đạo và đầu tư thiết chế văn hóa, hệ thống máy móc thiết bị phục vụ công tác thông tin tuyên truyền để người dân nắm bắt và thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, xây dựng, gìn giữ, phát triển bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô…
* Bà LÊ THỊ PHÚC, thôn Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong:
Cần quan tâm đến hoạt động hậu cần nghề cáMấy năm nay biển mất mùa, các chủ tàu đánh cá xa bờ thất thu, hậu cần nghề cá cũng vì thế mà khó khăn theo. Hầu hết người hoạt động nghề cá đều vay tiền của ngân hàng, thuê mặt bằng tại các cảng cá để bán xăng dầu, đá lạnh, nước ngọt… cho các chủ tàu đánh bắt xa bờ.
Các tàu cá ít ra khơi, sản lượng thủy sản thu được không cao nên chúng tôi cũng buôn bán cầm chừng. Mấy năm trước, người hoạt động hậu cần nghề cá cũng chịu thiệt hại nặng nề do sự cố ô nhiễm môi trường biển. Năm nay thì không buôn bán được vì COVID -19.
Vì vậy, những người hoạt động hậu cần nghề cá gặp nhiều khó khăn trong buôn bán, khó thu hồi vốn.
Tôi mong muốn nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh có chủ trương, chính sách kịp thời để hỗ trợ nghề biển, trong đó có người hoạt động hậu cần nghề cá để chúng tôi có điều kiện duy trì việc kinh doanh, từ đó tạo sự thuận lợi trong chuỗi liên kết nghề biển.
* Ông NGUYỄN SƠN, thôn Nại Cửu, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong:
Đại hội cần đưa ra những giải pháp nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế hợp lý để giải quyết việc làm bền vững
Mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị, xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòngan ninh được củng cố, giữ vững.
Do vậy, để xây dựng NTM đúng theo mục tiêu đề ra, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cần đưa ra những giải pháp cụ thể và lộ trình thích hợp nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế hợp lý để giải quyết việc làm bền vững, có thu nhập cao, không còn tình trạng nông nhàn và sản xuất thủ công như hiện nay.
Cùng với đó, đại hội cần xác định cụ thể hơn các giải pháp xây dựng đời sống văn hóa theo hướng tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc như Đảng ta đã xác định để các cấp, ngành triển khai thực hiện, Nhân dân đồng tình hưởng ứng xây dựng đời sống văn hóa.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)