Ngày 20/11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng có buổi làm việc với ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam và bà Valentina Auricchio, Trưởng đại diện của Ủy ban Bảo vệ dân sự và Viện trợ nhân đạo Châu Âu (ECHO) tại khu vực D3 cùng các thành viên đoàn công tác.
Từ năm 2022, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai đã phối hợp với FAO tại Việt Nam thực hiện Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường năng lực và quy mô triển khai hành động sớm cùng với việc kết nối với hệ thống bảo trợ xã hội” với mục tiêu bảo vệ sinh kế, an ninh lương thực và đảm bảo dinh dưỡng cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở khu vực nông thôn bằng việc dự báo trước các tác động của thiên tai, sử dụng phương pháp tiếp cận thống nhất trong triển khai hỗ trợ nhân đạo, tăng cường công tác quản trị và tính chủ động trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam.
Tại Quảng Trị, dự án được triển khai thí điểm tại 7 xã thuộc 4 huyện gồm: xã Vĩnh Lâm (huyện Vĩnh Linh), xã Gio Mai (huyện Gio Linh), xã Cam Hiếu (huyện Cam Lộ), xã Triệu Độ và xã Triệu Trạch (huyện Triệu Phong), xã Hải Phong và xã Hải Hưng (huyện Hải Lăng). Những hoạt động của dự án đã góp phần nâng cao ý thức, kỹ năng của người dân và cộng đồng, từng bước thay đổi tập quán của người dân nhận thức về hành động sớm trước thiên tai, bão lũ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết: Tỉnh Quảng Trị xác định công tác phòng chống thiên tai luôn là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm triển khai có hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, nhờ đó đã từng bước giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt là giai đoạn 2020 - 2024, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, dị thường, trái quy luật gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và sản xuất, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điển hình như các đợt “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” năm 2020, các trận lũ trái mùa tháng 3/2022, tháng 2/2023 và gần đây là các cơn bão số 4, số 6 và mưa lũ từ tháng 9/2024 đến đầu tháng 11/2024.
Chính vì vậy, việc triển khai các hoạt động “Hành động sớm dựa vào dự báo đối với loại hình bão và lũ” do ECHO tài trợ thông qua FAO thực hiện trên địa bàn Quảng Trị từ năm 2022 đến nay rất thiết thực và hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cho chính quyền và cộng đồng vùng hưởng lợi dự án.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của ECHO và FAO cho tỉnh Quảng Trị trong công tác này.
Ông Rémi Nono Womdim và bà Valentina Auricchio cảm ơn lãnh đạo tỉnh và các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ FAO và ECHO triển khai các hoạt động của dự án trên địa bàn từ năm 2022 đến nay.
Việt Nam được xác định là quốc gia chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu, do đó việc nâng cao sự chủ động và tăng cường khả năng chống chịu của các hộ gia đình để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, đặc biệt là bão và ngập lụt là vấn đề mà FAO và ECHO rất quan tâm, trong đó có địa bàn tỉnh Quảng Trị. Thời gian tới, FAO và ECHO sẽ tiếp tục hỗ trợ để giảm thiểu những thiệt do thiên tai gây ra cho các hộ gia đình tại địa phương.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)