Trước diễn biến phức tạp của cơn bão Noru, tỉnh Quảng Trị đã triển khai các giải pháp nhằm chủ động ứng phó với mưa lớn diện rộng và thời tiết nguy hiểm trên biển.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km và có xu hướng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 113,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16. Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 109,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 25-30km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ. Đến 07 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 113,4 độ Kinh Đông, trên đất liền Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/giờ), giật cấp 11.
Do ảnh hưởng của bão, từ khoảng chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 6,0-8,0m; biển động dữ dội.
Đến 10h ngày 25/9, toàn bộ chủ các phương tiện, tàu thuyền gồm 2.302 chiếc với 6.136 thuyền viên đã nhận được thông tin và hướng di chuyển của bão Noru. Đã có 2.295 chiếc/6.075 thuyền viên neo đậu an toàn tại bến của tỉnh, tàu thuyền ngoại tỉnh vào neo đậu trên địa bàn tỉnh là 9 chiếc với 72 thuyền viên.
Về sản xuất nông nghiệp, đến thời điểm này toàn tỉnh còn khoảng 523 ha lúa chưa thu hoạch. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh 3.421,2 ha. Diện tích thủy sản đang thả nuôi 902,5ha, trong đó nuôi tôm 301,3ha, nuôi cá là 601,2ha.
Ngoài ra, toàn tỉnh có khoảng 365 lồng, bè nuôi trồng thủy sản, hiện tại còn 75 lồng ở Triệu Phong chưa thu hoạch. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch hoàn thành diện tích lúa, hoa màu vụ Hè Thu, đồng thời có các biện pháp đảm bảo an toàn đối với thủy sản nhằm hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra. Đến thời điểm hiện tại, tổng dung tích các hồ chứa trọng điểm đạt trung bình khoảng 33,32% so với dung tích thiết kế
Để đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập và đê điều trước mùa mưa lũ năm 2022, đến thời điểm hiện nay các địa phương, đơn vị đã kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình nhằm phát hiện và khắc phục, sửa chữa, tu bổ kịp thời các hư hỏng.
Đồng thời xây dựng, rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đối với các hồ, đập; phương án hộ đê tại các khu vực xung yếu đối với các tuyến đê, kè để chủ động trong công tác ứng phó khi thiên tai xảy ra.
Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã xây dựng các kịch bản di dân tránh bão và tránh lũ, đã ban hành công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở cấp cơ sở, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ. Chỉ đạo Nhân dân dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 - 10 ngày để chủ động trong công tác ứng phó với diễn biến bão, mưa lũ kéo dài.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)