Ngày 8/4, tại TP. Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị quán triệt, hướng dẫn triển khai thực hiện quy hoạch cửa khẩu các tuyến biên giới đất liền. Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng làm trưởng đoàn tham dự hội nghị.
Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 1201/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Lào thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó tỉnh Quảng Trị sẽ nâng cấp, đầu tư mới cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho 2 cửa khẩu quốc tế và 6 cửa khẩu phụ.
Theo đó, thời kỳ 2021-2030 tỉnh Quảng Trị sẽ nâng cấp cửa khẩu phụ Cóc thành cửa khẩu chính, lối mở tạm thời A Roòng thành cửa khẩu phụ.
Dự kiến đến năm 2030, tuyến biên giới Việt Nam – Lào có 46 cửa khẩu, trong đó có 15 cửa khẩu quốc tế, 10 cửa khẩu chính và 21 cửa khẩu phụ.
Tầm nhìn đến năm 2050, nâng cấp 06 cửa khẩu quốc tế, 10 cửa khẩu chính và 02 cửa khẩu phụ. Tỉnh Quảng Trị sẽ nâng cấp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo thành cửa khẩu đường sắt, cửa khẩu phụ Tà Rùng thành cửa khẩu chính.
Dự kiến đến năm 2050 trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào có 49 cửa khẩu, trong đó có 21 cửa khẩu quốc tế, 15 cửa khẩu chính và 13 cửa khẩu phụ
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết: Tỉnh Quảng Trị có đường biên giới trên đất liền dài 187,864 km tiếp giáp với 2 tỉnh Savannakhet và Salavan (Lào); có 2 cửa khẩu quốc tế: Lao Bảo tiếp giáp với Cửa khẩu quốc tế Densavan (tỉnh Savannakhet) và La Lay tiếp giáp với Cửa khẩu quốc tế La Lay (tỉnh Salavan).
Ngoài ra, còn có 4 cặp cửa khẩu phụ: Tà Rùng - La Cồ; Cheng - Bản Mày; Thanh - Denvilay; Cóc - A Xóc. Có 6 đường mòn qua lại biên giới tạm thời, trong đó: giữa tỉnh Quảng Trị với tỉnh Savannakhet có 5 điểm gồm: Cù Bai - Cheng Túp, A Roòng - Xa Đun, Tân Kim - Ka Túp, Đông Thành - Mỹ Yên, Xy - Bản Ổi; giữa tỉnh Quảng Trị với tỉnh Salavan có 1 điểm gồm: A Dơi - Tân Du.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề xuất Bộ Ngoại giao trao đổi với phía Lào sửa đổi, bổ sung Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào năm 2016 và quy định đầy đủ các loại hình cửa khẩu, lối mở biên giới.
Đồng thời đề nghị sớm có Thỏa thuận bổ sung “Cư dân biên giới được sử dụng giấy chứng minh, giấy chứng nhận hoặc thẻ căn cước công dân để xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào gần nhất đến khu vực biên giới đối diện” (Không quy định phát sinh cấp loại giấy tờ khác để đảm bảo tính kế thừa, giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân hai bên biên giới qua lại thăm thân, thúc đẩy giao thương, phát triển KT – XH khu vực biên giới).
Nội dung quy hoạch, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cần chú trọng việc chuẩn hoá và hiện đại hoá hệ thống cửa khẩu theo hướng xanh, sạch. Từng bước phát triển hệ thống của khẩu số, cửa khẩu thông minh, phù hợp với với nhu cầu với khả năng và thoả thuận với nước láng giềng.
Ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông liên vùng kết nối đến các của khẩu quan trọng, nhất là từ các cửa khẩu quốc tế trọng điểm đến các trung tâm kinh tế, các cảng biển, cảng cạn và cảng thuỷ nội địa.