Ngày 19/3, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Chi nhánh miền Trung & Tây Nguyên, Báo Quảng Trị, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Trị phối hợp giới thiệu tập sách “Măng non trong bão đạn”. Tập sách do Đại tá, nhà báo, nhà thơ Lê Anh Dũng và nhà văn Nguyễn Thị Thu Sương đồng chủ biên, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 , sông Bến Hải của Quảng Trị trở thành giới tuyến chia cắt hai miền Nam - Bắc. Quảng Trị trở thành chiến trường ác liệt nhất trong suốt 20 năm cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Trong đó, huyện Vĩnh Linh ở bờ bắc sông Bến Hải là mục tiêu hủy diệt của đối phương.
Trước tình hình đó,Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định sơ tán học sinh Vĩnh Linh và các huyện bờ nam sông Bến Hải ra Bắc với chiến dịch K8 để các em có điều kiện học tập sau này trở về xây dựng lại quê hương.Chiến dịch này diễn ra từ tháng 8/1966 đến cuối 1967, đưa hơn 3 vạn học sinh từ 7 -15 tuổi trên một hành trình sinh tử, có một không hai trên thế giới để ra các tỉnh phía Bắc: Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Hà, Nam Định, Thái Bình…học tập.Mỗi gia đình miền Bắc đã đón một hoặc hai em học sinh về nhà, chăm sóc và cho ăn học như chính con em trong gia đình mình. Các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các tỉnh phía Bắc xem việc nuôi dạy học sinh K8 là trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.Sau 7 năm sơ tán, ăn học và lao động ở miền Bắc, học sinh K8 trở về quê hương vào năm 1973, khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng, tiếp tục phục vụ chiến đấu, góp phần tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam và xây dựng, bảo vệ quê hương.
Tập sách “Măng non trong bão đạn” dài 285 trang, có 20 bài viết. Mỗi bài là câu chuyện sống động, chân thực về hành trình gian nan của học sinh K8 giúp độc giả hình dung được sự khốc liệt của chiến tranh; chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về tương lai của thế hệ trẻ thời bấy giờ; sự chung tay, chia sẻ của đồng bào các tỉnh miền Bắc cưu mang, nuôi nấng, đào tạo con em Quảng Trị.Tập sách đã tập trung tương đối khá đầy đủ nguồn tư liệu về K8, có sự tham gia của nhiều thành phần, nhiều đối tượng là nhân chứng sống, từ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho đến thầy giáo, bảo mẫu những cựu học sinh của K8 và Nhân dân Vĩnh Linh đã tạo cho nội dung tập sách thêm phong phú, sinh động, giàu cảm xúc.
Tại buổi giới thiệu sách, các nhân chứng của Chiến dịch K8 chia sẻ những câu chuyện xúc động, đáng nhớ về hành trình học sinh K8 trên đất Bắc.Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Trị nhận xét, tập sách có giá trị sâu sắc và nhân văn. Toàn bộ các câu chuyện phản ánh đầy đủ, chân thực, sinh động về cuộc trường chinh của học sinh K8.
Để có tập sách “Măng non trong bão đạn”, tính từ khi khởi đầu chấp bút cho đến khi hoàn thành cũng mất thời gian gần 5 năm. Hai tác giả chủ biên đã từ Đà Nẵng ra Vĩnh Linh để hoàn thành tập bút ký.
Nhân dịp này, ban tổ chức tặng 80 bộ áo dài cho phụ nữ hoàn cảnh khó khăn huyện Vĩnh Linh, Gio Linh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)