Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành với 15 tỉnh, thành phố có nhu cầu nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cảng hàng không vào sáng nay 12/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết: Kế hoạch của tỉnh là khởi công sân bay đầu năm 2023, đưa vào vận hành năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, từ kết quả nghiên cứu quy hoạch hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xây dựng 6 tiêu chí chính (22 tiêu chí chi tiết) để đánh giá, bổ sung CHK mới. Theo đó, thời kỳ 2021-2030 dự kiến bao gồm 28 CHK (14 CHK quốc tế, 14 CHK quốc nội), tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm 31 CHK (14 CHK quốc tế, 17 CHK quốc nội).
Ý kiến của lãnh đạo các địa phương dự họp đều khẳng định sự cần thiết của đầu tư phát triển CHK khi mà nhu cầu đối với lĩnh vực này ngày càng cao. Một số ý kiến đề nghị thành lập Tổ công tác liên ngành để giải quyết được những vấn đề vướng mắc, chọn những sân bay khả thi để làm trước, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng khẳng định: Sân bay mới ra đời sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng. Người dân trong vùng dự án rất ủng hộ việc có sân bay. Kế hoạch của tỉnh là khởi công sân bay đầu năm 2023, đưa vào vận hành năm 2025. Đây là quyết tâm của tỉnh, thực hiện cơ chế đầu tư theo hình thức PPP.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định đầu tư xây dựng CHK sẽ tạo ra động lực mới thúc đẩy sự phát triển KTXH của địa phương và đất nước. Do vậy, việc nâng cấp, mở rộng, xây dựng sân bay là rất cần thiết đối với các địa phương.
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã phân cấp, phân quyền cho các địa phương để chủ động hơn trong đầu tư xây dựng CHK và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, các thủ tục đầu tư còn chồng chéo, rườm rà. Một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự chủ động. Do vậy, việc huy động nguồn lực xã hội hóa vào lĩnh vực đầu tư CHK còn chậm.
Phó Thủ tướng yêu cầu “tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các địa phương, từ khâu chuẩn bị thủ tục đầu tư tới khâu kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư CHK”. Giao Bộ GTVT phối hợp với 15 tỉnh, thành phố có nhu cầu nâng cấp, mở rộng, đầu tư sân bay rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật. Giao các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT khẩn trương lập dự án đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án như sân bay Quảng Trị, Sa Pa (Lào Cai), Lai Châu, Phan Thiết (Bình Thuận) khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư để khởi công vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương rà soát lại một lần nữa để kịp thời điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống CHK, bảo đảm quy mô phù hợp.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)