Sạt lở bờ sông uy hiếp đến cuộc sống của người dân

Đạo Thiện |

Những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cùng với đó là nạn khai thác sát sỏi trái phép đã làm cho tình trạng sạt lở bờ sông tại các địa phương trong tỉnh diễn biến hết sức nghiêm trọng, tốc độ xói lở nhanh, phạm vi và quy mô ngày càng lớn, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Vấn đề này đang đặt ra thách thức trong triển khai các giải pháp cụ thể nhằm ổn định cuộc sống cho người dân.

Triệu Long là một trong những xã nằm ở vùng trọng điểm lũ của huyện Triệu Phong, có khoảng 4 km chiều dài bờ sông Thạch Hãn đi qua địa bàn xã, nên hàng năm phải gánh chịu nhiều thiệt hại về nhà cửa và tài sản do sạt lở bờ sông mỗi khi mùa mưa lũ đi qua. Đặt biệt, trong đợt lũ lịch sử cuối năm 2020, xã Triệu Long thiệt hại rất lớn về nhà cửa, đất đai và cây trồng ở các khu vực ven sông. Hiện trên địa bàn toàn xã Triệu Long có 5 điểm bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, trong đó có điểm sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 15- 20m. Ngoài việc mất đất sản xuất, thì hiện tại xã Triệu Long có 50 nhà ở của người dân và một số công trình đình làng, nhà thờ họ...cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu mưa lũ năm 2021 diễn biến phúc tạp...

Sạt lở sông Thác Ma ( Hải Lăng) nguy cơ ảnh hưởng đến nhà dân
Sạt lở sông Thác Ma ( Hải Lăng) nguy cơ ảnh hưởng đến nhà dân

Ông Võ Sính, Chủ tịch UBND xã Triệu Long, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) cho biết thêm: “Mặc dù hiện tại có gần 500 mét bờ sông đang được đầu tư be móng bằng đá, nhưng hiện tại ở xã chúng tôi có gần 2km sạt lở, có điểm rất nặng nên chúng tôi cũng mong tỉnh, huyện có giải pháp khắc phục để bảo đảm an toàn về lâu dài...”.

 Theo thống kê của UBND huyện Triệu Phong, sau đợt lũ năm 2018, 2019 và cuối năm 2020 trên địa bàn huyện có 14 điểm sạt lở  bờ sông nghiêm trọng thuộc 12 xã, thị trấn, trong đó nặng nhất là các xã: Triệu Giang, Triệu Long, Triệu Phước, Triệu Thuận, Triệu Độ, Triệu Thượng, với chiều dài sạt lở ở sông Thạch Hãn là hơn 8.000m và sông Vĩnh Định 4.000m, làm ảnh hưởng lớn đến giao thông và cuộc sống của hàng trăm hộ dân. Ngoài ra, sạt lở đã xâm thực làm hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông và hàng chục ha đất sản xuất và đất vườn của bà con nhân dân vùng ven sông. Trước tình hình đó, bằng nguồn vốn hỗ trợ từ tỉnh và Trung ương, cùng với ngân sách địa phương, huyện Triệu Phong đã và đàng tiến hành xây dựng một số công trình kè và be bờ móng đá ở các vùng xung yếu, còn lại nhiều điểm chỉ khắc phục tạm thời trước mắt...

Ông Trần Văn Nhuận, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Triệu Phong nói thêm: “ Việc sạt lở bờ sông ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất và sinh sống của bà con ở vùng ven các con sông. Chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện triển khai nhiều biện pháp khắc phục. Hiện tại trên địa bàn huyện cũng đang tiến hành xây dựng nhiều điểm kè từ nguồn kinh phí của tỉnh và Trung ương, tuy nhiên do sạt lở quá nặng  sau đợt lũ cuối năm 2020 nên chúng tôi vẫn mong có sự tiếp tục hỗ trợ của cấp trên...”.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp ven sông Nhùng (Hải Lăng) bị nước lũ cuốn trôi
Nhiều diện tích đất nông nghiệp ven sông Nhùng (Hải Lăng) bị nước lũ cuốn trôi

Xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng là địa phương có hàng trăm hộ dân sống dọc ven theo con sông Nhùng, kéo dài từ thôn Thượng Nguyên về đến thôn Mai Đàn với chiều dài gần 5km. Nhiều đoạn sông uốn khúc khuỷu nên tình trạng nước chảy xiết, tạo vòng xoáy gây xói lỡ rất lớn. Hiện ở xã Hải Lâm có hàng chục điểm sạt lở bờ sông, có điểm sạt lở cách móng nhà dân chừng 3m, với độ sâu hơn 10m, dòng nước đã cuốn trôi 15 héc ta đất nông nghiệp, làm nhiều đoạn đường nội thôn đang nguy cơ bị nước xói vỡ. Chính quyền địa phương cũng như người dân đang hết sức lo lắng. Tình trạng sạt lở bờ sông ở xã Hải Lâm đang trở thành mối nguy hiểm khó lường, bởi ngoài việc mất đất sản sản xuất, thì nhiều nhà ở của người dân cũng đang trong tình trạng bị xâm thực nặng. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí có hạn nên việc khắc phục các điểm sạt lở hay xây kè chống xói lở là việc làm không thể của xã Hải Lâm... Ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hải Lâm cho biết thêm: “Ngoài ảnh hưởng về đất nông nghiệp, ở xã chúng tôi còn có hàng chục hộ gia đình đang nằm trong vùng nguy hiểm, nhiều công trình nông nghiệp như trạm bơm, kênh mương thủy lợi... cũng đang có nguy cơ bị sạt lở nặng nếu mùa mưa lũ năm 2021 có lụt lớn...”.

Cùng với xã Hải Lâm, Hải Chánh là một xã bán sơn địa nằm ở vùng đầu nguồn của các con sông Thác Ma và sông Ô Lâu, do vậy mỗi mùa mưa lũ đi qua thì tình hình sạt lở bờ sông rất nghiêm trọng. Theo báo cáo của UBND xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, đợt lũ lụt cuối năm 2020, trên địa bàn toàn xã đã xảy ra 32 điểm sạt lở ở các con sông Thác Ma, sông Ô Lâu, sông Câu Nhi... Có điểm sạt lở dài 200 mét và xâm thực vào đất liền gần 15 mét, nặng nhất là khu vực thôn Tây Chánh, Xuân Lộc và Nam Chánh. Nhiều diện tích đất vườn, đất nông nghiệp và cây lưu niên đã bị nước cuốn xuống lòng sông. Đặc biệt, có hàng chục hộ dân đang nằm trong tình trạng nguy cơ sạt lở nặng, ông Bùi Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh nói thêm: “Do con sông Thác Ma có nhiều đoạn cong và uốn khúc nên khi nước từ thượng nguồn đổ về thì gây sạt lở rất nặng, và mùa mưa lũ năm nào cùng bị sạt lở. Hiện có nhiều điểm đang được cơ quan chức năng tiến hành đo đạt để xây dựng kè... Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong sao các dự án này sớm thực hiện để tránh những sạt lở  khi mùa mưa lũ năm 2021 đang đến gần”.

Sạt lở nặng ven sông Thạch Hãn ở huyện Triệu Phong
Sạt lở nặng ven sông Thạch Hãn ở huyện Triệu Phong

Hải Lăng là một huyện vùng trũng, là nơi hạ nguồn của các con sông: Nhùng, Ô Lâu, Ô Giang, Thác Ma, Vĩnh Định... với lượng nước từ thượng nguồn đổ về trong đợt lũ vừa qua là là rất lớn. Ngoài việc gây ngập lụt diện rộng thì dòng nước còn làm nhiều con sông bị sạt lở nghiêm trọng. Trong đó có nhiều điểm điểm sạt lở nặng, tập trung ở các xã: Hải Lâm, Hải Quy, Hải Chánh, Hải Thượng, Hải Trường... Hiện tại các địa phương đang tiến hành kiểm tra tình hình sạt lở, qua đó báo cáo lên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện để có phương án xử lý trước mùa mưa lũ năm 2021. Trong điều kiện thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là mùa mưa lũ năm 2021 đang đến gần, do vậy việc tiến hành kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông và có phương án khắc phục sớm là việc làm cần thiết của huyện Hải Lăng nhằm giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra. Ông Lê Đình Lễ, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hải Lăng cho biết: “Trước mùa mưa lũ năm 2021, chúng đã tham mưu cho UBND huyện có giải pháp khắc phục các điểm xung yếu về sạt lở bờ sông. Còn các điểm đang được đầu tư xây kè hay gia cố thì chúng tôi sẽ yêu cầu đơn vị xây dựng tiến hành thi công càng sớm càng tốt...”.

Trong đợt lũ lụt cuối năm 2020, ngoài các tuyến đê bao ven biển và nội đồng bị hư hỏng nghiêm trọng, trên địa bàn toàn tỉnh còn có hàng chục km các bờ sông: Bến Hải, Thạch Hãn, Vĩnh Định, Thác Ma, Ô Lâu, Nhùng... bị sạt lở nặng. Tình trạng sạt lở bờ sông và hư hỏng của các tuyến đê bao không những ảnh hưởng việc giao thông đi lại, việc vận chuyển hàng hóa nông sản của bà con nhân dân, mà còn ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của từng khu vực, từng địa phương... Ông Lê Quang Lam, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT Quảng Trị nhấn mạnh: “Sau đợt lũ năm 2020, chúng tôi đã có đánh giá thiệt hại cụ thể và đã tham mưu cho UBND tỉnh tiến hành khắc phục nhiều điểm sạt lở ở các con sông và bờ biển ở một số địa phương. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục kiến nghị với trung ương để từng bước khắc phục, nâng cấp và xây dựng kè, đê bao ở các điểm còn lại ở bờ biển và bờ sông...”.

Trong điều kiện thời tiết dự báo ngày càng phức tạp. Hiện tượng sạt lở bờ sông, sẽ tiếp tục gây tác động rất lớn đến toàn thể cộng đồng cả về quy mô, phạm vi và mức độ ảnh hưởng, đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có một giải pháp mạnh, triển khai nhanh các giải pháp cụ thể, toàn diện nhằm khắc phục ngay tình trạng sạt lở, đem lại cuộc sống ổn định cho người dân và toàn xã hội....

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Tạm ngừng tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3

Mai Trang |

Sau khi hoàn thành 7 giai đoạn tìm kiếm vào ngày 27/7, toàn bộ lực lượng tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 đã rút về căn cứ.

Đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ

PV |

Từ ngày 7-8/7, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông khu vực Bắc Trung Bộ.

Phòng chống Bão số 1; mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất

Gia Hân |

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành Công điện số 02/CĐ-TW chỉ đạo ứng phó Bão số 1 và mưa lớn dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, lũ quét, sạt lở đất.

Vụ sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3: Tìm kiếm thi thể nạn nhân ở bãi bồi

Đỗ Trưởng |

Tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ thành lập đoàn công tác đi khảo sát thực tế các bãi bồi trên đoạn sông Rào Trăng dài 2,5km từ hiện trường tìm kiếm ở giai đoạn 3 xuôi về ngã ba Tam Dần.