Sau dịch tả lợn Châu Phi: Bản làng không có lợn để nuôi

Hưng Thơ |

Sau dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trong năm 2019, nhiều bản làng của người đồng bào thiểu số Vân Kiều, Pa Cô tại tỉnh Quảng Trị bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do mỗi nhà chỉ chăn thả vài con lợn và khi lợn bị bệnh thì người dân không thông báo với chính quyền nên hiện không được hỗ trợ kinh phí để tái đàn.

Cả bản chỉ một nhà còn lợn

Bản Cheng ở xã Tân Liên (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) có 109 hộ với 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, mỗi nhà ở bản thường nuôi vài con lợn bản địa theo hình thức chăn thả và tự cung tự cấp, nhà nhiều mới bán ra thị trường. Giống lợn bản địa của người đồng bào sinh sản ít, chậm lớn, nhưng giá trị kinh tế cao vì thịt rất ngon.

 
Gia đình duy nhất ở bản Cheng, xã Tân Liên (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) còn 1 con lợn giống và 3 lợn con. Ảnh: Hưng Thơ 

Năm 2019, gia đình bà Hồ Thị Lô (SN 1966, bản Cheng) nuôi 2 lợn giống và 1 đàn lợn con. Nhưng vào khoảng tháng 9 đến tháng 10, cả đàn lợn có biểu hiện ốm, nên gia đình tự giết thịt, có con bị chết thì đào hố chôn. Từ chỗ nuôi lợn nhiều nhất bản Cheng, bây giờ bà Lô không còn một con lợn nào, chuồng trống trơn. “Hỏi mua lợn con của người đồng bằng về nuôi thì giá quá đắt, không có tiền để mua” - bà Lô cho hay.

Theo ông Hồ Xa Ưn - Trưởng bản Cheng, hiện ở thôn chỉ còn hộ gia đình Hồ Thị Hun (SN 1975) còn 1 con lợn giống và 3 con lợn con. “Trước đây, nhà nào cũng nuôi 1 hoặc 2 con lợn, thả quanh nhà để đến ngày lễ giết thịt. Nhưng nay lợn không còn nữa, người dân không có điều kiện bỏ ra cả triệu đồng để mua 1 con lợn giống về nuôi” - ông Xa Ưn thông tin.

Còn bà Hồ Thị Hun - người duy nhất ở bản Cheng còn 1 con lợn giống và 3 con lợn con - nói rằng, ở bản chỉ có 1 con lợn đực của Hồ Kiếp, nhưng giờ không rõ bị bán hay chết, nên tới đây không thể phối giống nữa.

Tìm nguồn để hỗ trợ con giống

Không chỉ ở bản Cheng của xã Tân Liên, mà ở các xã A Xing, A Túc và các xã có người đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị sinh sống đều rơi vào tình trạng không có lợn giống để nuôi.

Ông Lê Quang Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa - nói rằng, việc người dân thiếu vốn để tái đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi là tình trạng chung ở địa phương. Vì vậy, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) huyện Hướng Hóa làm các thủ tục để ứng kinh phí hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi. “Trong lúc chờ kinh phí của Trung ương và tỉnh hỗ trợ, phòng tạm ứng trước để giúp người dân tái đàn” - ông Thuận cho hay.

Trước thông tin về việc người đồng bào dân tộc thiểu số không khai báo lợn bị dịch bệnh mà tự “xử lý”, dẫn đến tình trạng hiện các bản làng không còn lợn giống để nuôi, ông Thuận cho biết, kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương cũng sẽ tập trung hỗ trợ về giống lợn (định mức 1 hộ nghèo không quá 15 triệu đồng) cho bà con.

Theo lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị, sau dịch tả lợn Châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi gặp khó khăn về việc tái đàn, nhưng tiền hỗ trợ đối với những hộ bị thiệt hại chưa được đầy đủ, do kinh phí ở Trung ương chưa chuyển về. Đối với tình trạng các bản làng ở địa phương không có lợn giống để nuôi, các đơn vị sẽ rà soát, tìm hiểu nhu cầu để lồng ghép các chương trình hỗ trợ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS