Siết chặt quản lý thị trường dịp cuối năm

Bảo Bình |

Những tháng cuối năm 2021, nhất là thời điểm giáp tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thường bùng phát mạnh với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, khó lường. Nhiều sản phẩm hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn hàng hóa, trong đó có các mặt hàng như rượu, bia, nước giải khát, mứt, bánh kẹo, gia vị, phẩm màu, nguyên liệu chế biến… Để góp phần bình ổn thị trường, lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh chân chính và người tiêu dùng.

Hiện nay, các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có Quảng Trị đang chuyển sang giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ để khôi phục và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống Nhân dân. Do vậy, khi các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thương mại hoạt động dần ổn định trở lại, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, gian lận thương mại dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, nhất là những tháng cuối năm 2021, dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Đặc biệt hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu hàng hóa nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng… rồi gửi qua các đơn vị dịch vụ bưu chính chuyển phát nên gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra phát hiện của lực lượng chức năng. Các loại hàng lậu, hàng giả thường là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng, linh kiện điện tử, phụ kiện xe máy, đường kính, thuốc lá ngoại… được đưa về bán cho người tiêu dùng trong tỉnh hoặc các đối tượng vận chuyển các mặt hàng trên đi qua địa bàn tỉnh.

Trước thực tế đó, ngay từ đầu năm, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã xây dựng kế hoạch, tập trung kiểm tra và xử lý nhiều vụ vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả có hiệu quả. Trong 10 tháng đầu năm 2021, Cục QLTT tỉnh đã chú trọng kiểm tra, kiểm soát đối với nhóm mặt hàng áo quần, giày dép, mũ, túi xách, đồng hồ, mỹ phẩm, thực phẩm, nhóm mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống COVID - 19 như thuốc, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế. Đã kiểm tra 536 cơ sở, có 290 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tang vật vi phạm bị tịch thu gần 5 tỉ đồng.

Nhiều vụ việc được lực lượng QLTT kịp thời phát hiện, bắt giữ với số lượng hàng hóa có giá trị lớn. Điển hình như vào ngày 28/3/2021, Đội QLTT số 2 phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra, phát hiện số lượng hàng hóa có trị giá 650 triệu đồng gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đơn vị đã đề xuất UBND tỉnh tịch thu toàn bộ số lượng hàng hóa trên theo quy định của pháp luật.
Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra tình hình kinh doanh hàng hóa của một cơ sở kinh doanh - Ảnh: T.T
Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra tình hình kinh doanh hàng hóa của một cơ sở kinh doanh - Ảnh: T.T
 

Tiếp đó, ngày 29/6/2021, Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh tại Quốc lộ 9, Đông Hà và đã phát hiện hộ kinh doanh bày bán 80 đôi giày thể thao hiệu Adidas và Nike không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng trị giá 19.200.000 đồng. Đơn vị đã đề xuất Cục trưởng Cục QLTT tỉnh xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 12.000.000 đồng, đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm 1 tháng, tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm trên và nhiều vụ việc kiểm tra xử lý khác.

Thị trường hàng hóa dịp cuối năm thường diễn ra khá sôi động, theo đó cũng xuất hiện hàng hóa kém chất lượng, hàng giả. Các đối tượng thường vận chuyển bằng các phương tiện xe ô tô, xe khách và thường xuyên đi vào ban đêm gây khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa. Bên cạnh đó, do lực lượng mỏng, địa bàn hoạt động rộng nên khi gặp lực lượng chức năng kiểm tra, một số chủ hàng bỏ trốn dẫn đến việc xác định đối tượng gặp không ít khó khăn. Để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, người tiêu dùng, lực lượng QLTT tiếp tục nắm diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ; Kế hoạch số 75/KH-BCĐ ngày 8/4/2021 về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh năm 2021; Kế hoạch số 6112/KH-BCĐ ngày 31/12/2020 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong Quý IV/2021, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển trái phép đối với các nhóm, mặt hàng như: Nhóm hàng phòng, chống COVID -19, pháo, đường cát, lợn và sản phẩm từ lợn, xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gia cầm và sản phẩm gia cầm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền…

Đẩy mạnh hoạt động phối hợp, trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật với các hình thức phong phú, đa dạng đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo chuyển biến sâu rộng, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 (Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hỗ trợ 160 triệu đồng cho thanh niên phát triển kinh tế

Phương Trinh |

Tỉnh đoàn Quảng Trị phối hợp Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương vừa hoàn thành việc giải ngân hỗ trợ cho 2 thanh niên xuất khẩu lao động (XKLĐ) bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là chủ sáng kiến phát triển kinh tế tại địa phương. Các sáng kiến được hỗ trợ là mô hình trang trại lợn bản của anh Lê Văn Hóa ở xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa và mô hình trang trại lợn thịt, lợn giống của anh Dương Đức Biên ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh. Theo đó, ban tổ chức đã giải ngân 80 triệu đồng/mô hình để mua sắm trang thiết bị, bàn giao máy móc, con giống, xây dựng mặt bằng để phát triển mô hình. Tổng kinh phí giải ngân là 160 triệu đồng.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng tham gia ý kiến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025

Lê Minh |

Ngày 30/10/2021, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã tham gia ý kiến. Sau đây là phát biểu của đại biểu tại diễn đàn Quốc hội.

Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế tập thể ở Đakrông

Kô Kăn Sương |

Thời gian qua, Đảng bộ huyện Đakrông (Quảng Trị) đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn. Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển KT - XH của địa phương.

Tăng cường quản lý thị trường dịp tết Nguyên đán

Hà Trang |

Những tháng gần đây, tình hình gian lận thương mại có dấu hiệu gia tăng trước nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp tết Nguyên đán. Trước tình hình đó, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trong tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.