Từ trước đến nay, hoạt động cho vay tiền để đáo hạn ngân hàng diễn ra âm thầm nhưng rất phổ biến ở nhiều địa phương. Nguyên nhân là do nhiều người, vì một lý do nào đó không thể trả được khoản vay tại ngân hàng khi đến thời hạn nên phải tìm cách vay mượn bên ngoài. Nhu cầu đó được đáp ứng khi nhiều người khác lại có vốn nhàn rỗi, muốn cho vay để kiếm lời cao trong thời gian ngắn. Sẽ không có gì xảy ra nếu các giao dịch diễn ra theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng hoạt động này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong các vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đưa ra xét xử, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội đều khá giống nhau, đó là đưa ra thông tin gian dối về việc vay tiền để đáo hạn ngân hàng với mức lãi suất hấp dẫn. Cụm từ “đáo hạn ngân hàng” như miếng mồi nhử, đánh vào lòng tham của rất nhiều người. Mới đây nhất, vào tháng 8/2024, TAND tỉnh đưa ra xét xử đối tượng Hồ Ngọc N. phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Với việc đưa ra thông tin gian dối vay tiền đáo hạn ngân hàng, từ tháng 12/2021 đến tháng 3/2022, đối tượng này đã chiếm đoạt của 3 người với tổng số tiền hơn 3 tỉ đồng. Trường hợp này, đối tượng phạm tội đã tự đến cơ quan công an khai báo khi biết rằng hành vi lừa đảo của mình sớm muộn gì cũng bị phát hiện, vì thế danh sách bị hại chỉ dừng lại ở con số 3.
Ở một vụ án sắp đưa ra xét xử khác, cũng với thủ đoạn như trên nhưng số tiền chiếm đoạt lên đến 53 tỉ đồng. Vụ lừa đảo này diễn ra trong thời gian “sốt đất” trên địa bàn tỉnh, nhu cầu vay tiền ngân hàng để mua đất của người dân tăng cao. Nhiều người khi đến thời hạn trả nợ không bán được đất nên phải vay mượn bên ngoài. Lợi dụng điều đó, khi đối tượng lừa đảo là một cặp vợ chồng ở thị xã Quảng Trị tung thông tin cần vay tiền đáo hạn ngân hàng, nhiều người tin tưởng, cho vay nhiều lần với số tiền lớn, trong đó có người cho vay trên 15 tỉ đồng.
Vì lợi nhuận cho vay đáo hạn quá hấp dẫn nên không ít trường hợp nhân viên ngân hàng cũng tham gia. Là nhân viên giao dịch ngân hàng nên những người này thường có mối quan hệ xã hội rộng, trong đó quản lý được những khách hàng đang có tiền gửi hoặc đang vay tiền tại ngân hàng. Từ đó, họ tìm cách làm quen, tiếp cận với những khách hàng này để đặt vấn đề về việc vay tiền làm dịch vụ đáo hạn cho những khách đến kỳ trả nợ dù biết như vậy là vi phạm quy định của ngân hàng và vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Ở Quảng Trị đã có nhiều trường hợp như vậy xảy ra. Trong năm 2023, cơ quan chức năng đã khởi tố và bắt giam phó giám đốc phòng giao dịch thuộc chi nhánh của một ngân hàng thương mại trên địa bàn huyện Triệu Phong. Người này bị nhiều người tố cáo đến cơ quan công an về việc đã vay mượn tiền với lý do đáo hạn ngân hàng nhưng sau đó chiếm đoạt luôn.
Đáo hạn ngân hàng là hình thức trả tiền cho khoản vay cũ đã đến hạn phải trả để sau đó vay lại một khoản mới. Theo quy định tại Điều 8, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN) của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng không cho phép người vay tiền vay của ngân hàng để đáo hạn khoản vay hay đảo nợ.
Vì thế, khi kinh doanh thua lỗ hay nguồn thu bị gián đoạn, không ít người phải vay bên ngoài để trả cho ngân hàng. Có nhiều trường hợp chấp nhận vay lãi nặng để trả ngân hàng nhằm tránh bị chuyển sang khoản nợ quá hạn, tránh lịch sử tín dụng xấu. Trong khi đó, nhiều người cho vay đáo hạn vì muốn có lãi suất cao, thu hồi vốn nhanh trong vài ngày nên cho vay mà không có biện pháp bảo đảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thường trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn như trên có rất nhiều nạn nhân vì thời gian diễn ra hành vi gian dối này kéo dài, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo tinh vi. Đáng nói là nguồn tiền để bị hại cho vay không phải sẵn có mà phần lớn phải cắm nhà đất hoặc đi vay mượn, huy động từ người thân, bạn bè để cho các đối tượng vay nhằm hưởng chênh lệch. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, đối tượng lừa đảo bị bắt giữ, các bị hại ai nấy đều hy vọng sẽ được lấy lại được số tiền đã mất.
Tuy nhiên, “được vạ thì má đã sưng”. Mặc dù các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đều được đưa ra xét xử nghiêm minh, bản án tòa tuyên đúng người, đúng tội nhưng cơ hội để bị hại lấy được tài sản đã mất rất khó. Từ thực tế xét xử các vụ án cho thấy, số tiền lừa đảo hầu hết được các bị cáo ném vào nhu cầu tiêu xài cá nhân, cờ bạc hoặc dùng tiền vay của người sau để trả nợ cho người trước. Nhiều nạn nhân khi đến dự phiên tòa xét xử biết được tình cảnh đó như rơi vào bước đường cùng, có người hoặc trút cơn giận giữ vào bị cáo, hoặc khóc ngất giữa tòa vì biết rằng số tiền của mình khó để lấy lại được khi bị cáo cũng rơi vào cảnh “trắng tay”.
Do nhu cầu của cả người vay và người cho vay dẫn đến dịch vụ đáo hạn ngân hàng, cho vay xử lý nợ xấu, nợ thẻ tiêu dùng luôn tồn tại. Trường hợp khách hàng vay bên ngoài để đáo hạn và được ngân hàng giải ngân tiếp tục thì không sao, nhưng nếu không được giải ngân, khách hàng sẽ gặp rủi ro với lãi suất vay cao ở bên ngoài hoặc rơi vào bẫy lừa đảo.
Cơn “sóng ngầm” từ đáo hạn ngân hàng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì các khoản vay này đều không có tài sản đảm bảo hợp pháp. Để tránh bị kẻ xấu lợi dụng chiếm đoạt tài sản, người cho vay cần tuân thủ pháp luật về lãi suất, đồng thời tìm hiểu kỹ người vay có thực sự có khoản vay đến hạn hay không. Khi cho vay, cần tham gia cùng người vay trong quá trình nhận tiền, trả nợ cho ngân hàng và nhận tiền vay mới của ngân hàng.
Để tránh trường hợp nhân viên tín dụng huy động vốn bên ngoài làm dịch vụ đáo hạn, thậm chí là lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng, các ngân hàng thương mại cần nâng cao vai trò kiểm soát nội bộ để cảnh báo sớm các rủi ro phát sinh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)