Nhằm ổn định thị trường, đảm bảo quyền, lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh và người tiêu dùng, thời gian qua, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Quảng Trị (Ban Chỉ đạo 389/ĐP) đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại.
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389/ĐP, Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trường Khoa, năm 2023, tình hình thế giới diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu trên phạm vi cả nước và của tỉnh. Giá cả các mặt hàng gia tăng dẫn đến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh tăng trở lại với các phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây mất trật tự xã hội, tác động xấu đến việc phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Cụ thể, các mặt hàng cấm, hàng lậu từ nước ngoài vào Việt Nam qua khu vực biên giới Việt Nam - Lào, các Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay, tuyến Quốc lộ 9 gồm: ma túy, pháo, vật liệu nổ, đường, rượu ngoại, thuốc lá, hàng điện tử, khoáng sản...
Phương thức thủ đoạn chủ yếu là các đối tượng tập kết hàng hóa sát khu vực biên giới Lào, lợi dụng địa hình hiểm trở, đêm tối và sơ hở của lực lượng chức năng để thuê “cửu vạn” gùi cõng hàng hóa qua biên giới hoặc dùng thuyền nhỏ vận chuyển hàng hóa qua sông Sê Pôn. Sau đó tập kết hàng hóa rải rác trong các nhà dân hoặc các tụ điểm, kho hàng chờ thời cơ thuận lợi sử dụng ô tô gom hàng vận chuyển qua tuyến Quốc lộ 9 vào sâu nội địa để tiêu thụ hoặc trà trộn vào hàng hóa xuất nhập khẩu chính ngạch.
Còn tại thị trường nội địa, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hết hạn sử dụng... vẫn xảy ra tại một số địa bàn trong tỉnh. Ngoài ra, còn gia tăng tình trạng buôn lậu thông qua hoạt động thương mại điện tử, hàng hóa được vận chuyển bằng các loại xe dịch vụ, xe hàng...
Trước tình hình đó, các sở, ngành, lực lượng chức năng, địa phương đã tích cực bám sát địa bàn, kịp thời nắm bắt quy luật, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại cả trên tuyến biên giới và trong nội địa để bố trí lực lượng, phương tiện đấu tranh có hiệu quả.
Cụ thể, trong năm 2023, các lực lượng chức năng đã kiểm tra phát hiện bắt giữ và xử lý 2.073 vụ, tăng 10,56% so với năm 2022. Trong đó, chủ yếu là buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu: 1.230 vụ; gian lận thương mại: 883 vụ và hàng giả: 5 vụ với trị giá hàng hóa vi phạm 25,7 tỉ đồng. Xử phạt vi phạm hành chính 1.648 vụ với số tiền thu nộp ngân sách là 61,5 tỉ đồng. Khởi tố 293 vụ với 456 đối tượng, tăng 1,74% về số vụ và 8,83% về số đối tượng bị khởi tố.
Hàng hóa thu giữ gồm 24,8 gam heroin, 64,37 kg và 928.350 viên ma túy tổng hợp, 18,8 kg ma túy đá; 660,8 kg thuốc nổ; hơn 3.560 kg pháo nổ và 37 kg pháo hoa; 58.115 bao thuốc lá, 8.624 chai rượu các loại, 951,7 tấn đường cát, 56.524 lon bia; 17,3 kg và 20 con động vật hoang dã (ĐVHD), 16,8 kg sản phẩm từ ĐVHD; 7.560 kg sản phẩm động vật; 1.156 hộp thực phẩm, 2.400 vỉ thuốc đông y, 214.509 hộp hóa mỹ phẩm các loại; xấp xỉ 109 m3 gỗ các loại và 15,4 tấn lâm sản ngoài gỗ... Đặc biệt, bước đầu đã xử lý các tụ điểm, kho hàng có quy mô lớn.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của các sở ngành đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, an toàn thực phẩm; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm... tiếp tục được tăng cường đã góp phần làm lành mạnh thị trường. Tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh phát triển.
Ông Nguyễn Trường Khoa cho biết, thời gian tới, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp; các đối tượng càng trở nên manh động và liều lĩnh hơn. Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389/ĐP tiếp tục quán triệt các sở, ngành, lực lượng chức năng và địa phương đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trước mắt là trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Tăng cường kiểm tra, quản lý tốt địa bàn, chủ động nắm bắt tình hình thị trường, diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa; tổ chức kiểm tra hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung đấu tranh, xử lý các đầu nậu, các kho hàng có quy mô hoặc giá trị lớn; các tuyến vận chuyển chính như dọc biên giới, khu vực cửa khẩu, Quốc lộ 9, Quốc lộ 1, phương thức thương mại điện tử. Phối hợp chặt chẽ trong việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực chủ chốt, các ngành hàng, mặt hàng thiết yếu, trọng tâm; xử lý các vụ việc phức tạp, đa ngành, đa lĩnh vực hoặc các mặt hàng, địa bàn tiềm ẩn các yếu tố phức tạp. Góp phần bảo vệ thị trường, quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, người tiêu dùng. Tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng container và xe ô tô tải, ô tô tải VAN trên địa bàn tỉnh nói chung và trên tuyến Quốc lộ 9 nói riêng.
“Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước. Không kinh doanh hàng nhập lậu; không sản xuất, buôn bán, tàng trữ hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng...; cam kết niêm yết giá, bán hàng hóa dịch vụ theo đúng giá niêm yết. Đồng thời, khuyến khích người dân chủ động tố giác các hành vi vi phạm gian lận thương mại, đặc biệt là hành vi lợi dụng thương mại điện tử để vi phạm pháp luật”, ông Khoa cho biết thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)