Những tháng cao điểm cuối năm, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng lậu qua địa bàn tỉnh Quảng Trị có những diễn biến phức tạp. Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu tinh vi, manh động và liều lĩnh hơn, sẵn sàng sử dụng vũ khí chống trả, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát. Trước thực trạng đó, các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh đã triển khai quyết liệt các biện pháp để ngăn hàng lậu vận chuyển qua biên giới, cửa khẩu, cũng như trong khu vực nội địa.
Đầu tháng 11/2021, tại khu vực nghĩa trang khóm Trung Chín, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Đội Kiểm soát hải quan, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị phát hiện nhóm đối tượng nam giới điều khiển xe máy vận chuyển và tập kết hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài. Khi phát hiện có lực lượng chức năng, lợi dụng địa hình phức tạp, có nhiều đường giao cắt và lầy lội, các đối tượng trên đã vứt bỏ lại hiện trường nhiều bao tải màu trắng, rồi điều khiển xe bỏ chạy. Lực lượng hải quan thu giữ 60 bao tải (loại 50 kg/bao), tổng cộng khoảng 3 tấn đường kính trắng do Thái Lan sản xuất. Đội Kiểm soát hải quan đã lập biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp không xác định được người vi phạm, ban hành quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm và đang xác minh làm rõ chủ sở hữu số hàng hóa vi phạm nêu trên để xử lý.
Đây là một trong những vụ buôn lậu đường kính trong thời gian gần đây, khi mà thời điểm tết Nguyên đán đang đến gần và nhu cầu sử dụng các mặt hàng này của người dân tăng cao. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu tinh vi hơn. Đơn cử như mặt hàng đường kính sẽ được xóa lô, xóa hạn sử dụng, đối với mặt hàng pháo, các đối tượng tìm cách vận chuyển, buôn lậu dàn trải các thời gian trong năm chứ không tập trung vào thời điểm cận kề tết để đối phó với lực lượng chức năng. Thời điểm giáp tết Nguyên đán, mặt hàng buôn lậu chủ yếu là đường kính, bia, thuốc lá, sữa… Chủ hàng hóa không xuất hiện mà thuê người dân gùi, cõng hàng qua biên giới, xâm nhập vào nội địa. Các mặt hàng này có sự chênh lệch giá cả trong và ngoài nước lớn, đường kính tuồn về nội địa có giá chênh lệch từ 15.000 đồng lên 22.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, đáng quan tâm là hoạt động buôn bán ma túy ngày càng diễn biến phức tạp. Các đối tượng thiết lập đường dây, lợi dụng sự thông thuộc địa bàn, quan hệ quen biết với một số người dân hai bên biên giới để vận chuyển ma túy về Việt Nam tiêu thụ hoặc trung chuyển đi nước thứ ba. Đối với hàng hóa nhập lậu, để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng gia cố hầm chứa hàng bên trong các phương tiện vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, trà trộn vào hàng hóa chính ngạch để cất giấu. Ngoài ra, các đối tượng dùng thuyền máy vận chuyển hàng dọc tuyến sông Sê pôn hoặc thuê người gùi cõng qua các đường mòn, lối mở rồi tập kết ở các nhà dân khu vực biên giới chờ các phương tiện vận chuyển về nội địa tiêu thụ. Thời gian gần đây, tại tuyến đường bê tông thuộc khóm Tân Kim, thị trấn Lao Bảo, nhiều hộ dân dựng hàng rào bằng tôn cao hơn 2m, có rào khóa cẩn thận với lý do bảo vệ đất đai, vườn cây, hoa màu.
Chỉ trong khoảng 2 km từ chốt 20 đến chốt 24, thuộc địa bàn khóm Duy Tân và Tân Kim đã có 366 m hàng rào tôn chắn, 434 m rào lưới B40, 28 m tường bê tông và 50 m rào bằng lưới cước. Việc này gây nhiều trở ngại, khó khăn cho lực lượng chức năng trong triển khai, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, phòng, chống các loại tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại. Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Nhân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, trước đây người dân xây dựng hàng rào thô sơ bằng dây thép gai để ngăn trâu bò và bảo vệ cây trồng. Gần đây, người dân gia cố thành hàng rào cao và chắc chắn ở phía dọc sông Sê pôn. Điều này, gây khuất tầm nhìn bao quát và hạn chế tính cơ động của lực lượng biên phòng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. “Đã có trường hợp các đối tượng lợi dụng thẩm lậu hàng hóa ngay trong khuôn viên đất của người dân, lúc bộ đội làm nhiệm vụ thì vướng phải rào chắn. Nếu tuần tra, kiểm soát bằng ca nô trên sông Sê pôn, khi cơ động đến nơi thì hàng hóa và người đã chạy mất”, Thiếu tá Nhân chia sẻ.
Trên thị trường nội địa, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn xảy ra tại một số địa bàn như khu vực chợ Đông Hà, trung tâm thành phố Đông Hà, tuyến Quốc lộ 1 từ Ngã Tư Sòng đến Dốc Miếu.
Theo Ban Chỉ đạo 389, 10 tháng đầu năm 2021, các lực lượng đã phát hiện và xử lý 1.489 vụ buôn lậu với trị giá hàng hóa 24,9 tỉ đồng, thu nộp ngân sách 37,1 tỉ đồng, khởi tố 263 vụ với 392 đối tượng. Một số mặt hàng vi phạm chủ yếu là ma túy, đường, pháo, gỗ, thuốc lá, rượu ngoại, khoáng sản (than), bánh kẹo, mỹ phẩm, hàng điện tử, thuốc đông y… Có thể thấy, so với năm 2020, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp. Số lượng và giá trị hàng buôn lậu trong mỗi vụ lớn hơn dẫn đến số đối tượng bị xử lý hình sự tăng.
Từ nay đến cuối năm, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã có văn bản yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành động, hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt là hàng hóa liên quan đến đời sống và sức khỏe người dân như vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch, sản phẩm hàng hóa phục vụ cho nhu cầu của người dân từ nay đến cuối năm và chuẩn bị cho tết Nguyên đán. Xây dựng kế hoạch chuyên đề liên quan đến các nhóm mặt hàng đang tăng giá như xăng dầu, khoáng sản, nguyên liệu, vật liệu phục vụ cho quá trình tái khởi động nền kinh tế, các mặt hàng phổ biến như đường, thuốc lá, các mặt hàng dễ làm giả... Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về kết quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả cũng như các vụ việc vi phạm tới cộng đồng, từ đó thể hiện tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)