Ngày 7/1, tiếp tục chương trình kỳ họp trực tuyến bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã tham gia ý kiến. Sau đây là phát biểu của đại biểu tại diễn đàn Quốc hội.
Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ bị lỡ nhịp với thế giới và cả khu vực. Kết quả tiếp tục tăng trưởng thấp năm qua và mục tiêu khá tham vọng cho năm nay cũng như bình quân cả giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 đang đòi hỏi triển vọng phục hồi kinh tế năm 2022 phải thật mạnh mẽ, tích cực. Bởi vậy, dù đề án và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023 đang được thảo luận thông qua trong kỳ họp bất thường này, tuy có hơi muộn so với mong muốn, nhưng tính cấp thiết vẫn còn nguyên vẹn.
Trước tiên, tôi xin có ý kiến về gói giải pháp tài khóa - tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình của Chính phủ theo 5 khía cạnh chính như sau:
Thứ nhất, về vai trò của từng chính sách tài khóa và tiền tệ trong gói giải pháp. Đồng ý là trong bối cảnh dư địa của chính sách tiền tệ còn khá hạn hẹp, trong khi dư địa tài khóa được củng cố trong những năm gần đây, an toàn nợ công vẫn được đảm bảo, khi áp lực lạm phát và nợ xấu gia tăng thì vai trò của chính sách tài khoá cần trở thành chủ lực, còn chính sách tiền tệ chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ.
Thứ hai, về quy mô của gói giải pháp. Xét tình hình thực tế là nhiệm vụ giải ngân hết được vốn đầu tư công theo kế hoạch còn khó khăn, tình trạng tồn dư ngân quỹ quốc gia cao tại hệ thống ngân hàng mà không đưa lại được vào nền kinh tế; khả năng hấp thụ vốn của những lĩnh vực dự định hỗ trợ, đồng thời cũng xét tới mức độ chịu đựng và khả năng huy động vốn bổ sung của ngân sách Nhà nước (NSNN), tôi cho rằng quy mô gói khoảng 347 nghìn tỉ đồng, tương đương hơn 4% GDP, là nỗ lực cao nhất, tốt nhất có thể lúc này.
Thứ ba, về thời gian, thời lượng và nhịp độ thực hiện của gói. Tôi cho rằng gói hỗ trợ sau khi được thông qua, cần triển khai ngay từ trước tết Âm lịch và chỉ kéo dài tối đa 2 năm, kết thúc chính xác vào ngày 31/12/2023, trong đó tập trung cho năm 2022 để kịp thời hỗ trợ phục hồi kinh tế, sang năm 2023 nhiệm vụ chính chỉ là duy trì, củng cố các động lực phát triển. Căn cứ vào diễn biến bối cảnh trong và ngoài nước, Chính phủ sẽ có những điều chỉnh linh hoạt, kịp thời cho phù hợp tình hình. Việc chốt cứng thời hạn nhằm phản ánh đúng bản chất cốt lõi của gói là hỗ trợ phục hồi và để xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành khi triển khai thực hiện.
Thứ tư, về đối tượng trọng tâm thụ hưởng. Tôi nhất trí với định hướng tập trung nguồn lực cho 4 ưu tiên, nói gọn gồm: Y tế, an sinh xã hội, doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, tôi băn khoăn về tính khả thi, khả năng hấp thụ của một số cấu phần như: Hỗ trợ lãi vay qua ngân hàng thương mại 40 nghìn tỉ đồng; về thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi bổ sung qua Ngân hàng Chính sách xã hội 38,4 nghìn tỉ đồng; đặc biệt là về tăng cường đầu tư công cho hạ tầng giao thông chiến lược hơn 100 nghìn tỉ đồng, khi mà các lập luận, phân tích, đánh giá, nhận định trong đề án chi tiết chưa thực sự thuyết phục.
Thứ năm, về khía cạnh nguồn tài chính huy động cho gói giải pháp. Tôi cho rằng, việc triển khai giải ngân được hết vốn của gói hỗ trợ và nền kinh tế hấp thụ kịp, hấp thụ hiệu quả trong thời hạn cho phép, sẽ đòi hỏi nỗ lực quyết tâm rất lớn của Chính phủ. Nhưng để lo được kịp và đủ tiền cho gói hỗ trợ thì còn khó khăn hơn nhiều.
Về phía tài khóa, đúng như Chính phủ nhìn nhận, tổng nhu cầu huy động vốn bổ sung cho NSNN 240 nghìn tỉ đồng là nhiệm vụ khó khăn và áp lực do 2 năm 2022 - 2023 còn phải huy động khoảng 1,1 triệu tỉ đồng theo dự toán NSNN được Quốc hội phê duyệt, trong đó riêng vay trong nước đã khoảng 1 triệu tỉ đồng, chủ yếu bằng hình thức phát hành trái phiếu chính phủ nội tệ. Trong khi về phía tiền tệ, các giải pháp nêu ra trong đề án còn khá chung chung và nặng về định tính.
Điểm tiếp theo, tôi muốn nhấn mạnh đến nội hàm cụ thể của việc chính sách tiền tệ phối hợp với chính sách tài khóa trong khuôn khổ gói hỗ trợ.
Thứ nhất và quan trọng nhất, là chính sách tiền tệ cần hoàn thành tốt trọng trách của mình trong việc góp phần tạo lập và duy trì môi trường vĩ mô ổn định và điều kiện tài chính - tiền tệ thuận lợi cho chính sách tài khóa ngược chu kỳ phát huy tối đa hiệu quả. Cụ thể, chính sách tiền tệ cần chịu trách nhiệm chính trong vai trò kiểm soát lạm phát, giảm thiểu rủi ro thị trường tiền tệ, cũng như tạo nguồn tài chính đủ rẻ, đủ ổn định cho các biện pháp hỗ trợ tài khóa.
Đây là nhiệm vụ khá khó khăn đối với Ngân hàng Nhà nước, xét trong bối cảnh áp lực lạm phát trên thế giới đang tiếp tục gia tăng, dự báo đạt đỉnh vào đầu 2022 và duy trì cao hơn giai đoạn trước COVID-19 cho tới cuối 2023, là lý do chính khiến xu hướng đảo chiều chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ, đang trở nên hiện hữu.
Ở trong nước, áp lực tăng giá đầu vào liên tục và kéo dài tạo rủi ro lạm phát cao cho nền kinh tế khi nhu cầu hồi phục mạnh. Song hành cùng nhiều gói cứu trợ, hỗ trợ được triển khai trong suốt 2 năm 2020 - 2021, xu hướng tăng giá liên tục của các tài sản tài chính và bất động sản trong thời gian qua, cũng sẽ góp phần làm tăng áp lực lạm phát trong năm 2022.
Điều này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải cẩn trọng hơn trong hoạt động điều tiết cung tiền, đặc biệt cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc “trung hòa” dòng tiền kho bạc nhà nước mỗi khi chúng được giải ngân mạnh vào nền kinh tế hoặc khi chúng được hút mạnh về từ nền kinh tế.
Thứ hai, sự phối hợp chính sách cần được thể hiện rõ trong việc hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn tín dụng giá tốt thông qua cơ chế cấp bù lãi suất cho vay qua ngân hàng thương mại của Chính phủ, cũng như triển khai các gói cho vay tái cấp vốn với lãi suất thấp, bắc cầu qua tổ chức tín dụng, để gián tiếp hỗ trợ nhóm doanh nghiệp chọn lọc. Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thống nhất các nhóm đối tượng, phạm vi và điều kiện được miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, đồng thời được cơ cấu lại nợ vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, phí dịch vụ ngân hàng, … để các biện pháp hỗ trợ riêng lẻ được cộng hưởng đồng chiều nhằm đạt hiệu quả dự tính.
Thứ ba, sự phối hợp chính sách cũng cần được thể hiện rõ trong việc hỗ trợ người dân thuộc diện được bảo trợ an sinh xã hội tiếp cận dòng vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Gói giải pháp tài khóa – tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình đang được toàn dân, toàn nền kinh tế mong đợi và dõi theo.
Năng lực triển khai của các cấp, các ngành đối với từng cấu phần của gói, tuân thủ tinh thần nghị quyết, sẽ quyết định hiệu quả cuối cùng của chương trình.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)