Sáng nay 15/3, trong khuôn khổ Hội thảo “Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực” đã diễn ra phiên tham vấn chuyên ngành liên quan đến các cơ chế, chính sách ưu tiên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Khu Kinh tế thương mại (KTTM) xuyên biên giới chung. Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Đại Nam, Tổ phó Tổ công tác 626; Phó Tỉnh trưởng Tỉnh Savannakhet Xẻn-xắc Su-ly-xắc, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn CT-Strategies (CTS) Andrew Farrelly điều hành phiên tham vấn.
Thay mặt Tổ công tác 626, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Đại Nam đã giới thiệu về Đề án Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan. Trong đó nhấn mạnh về tính khả thi và các cơ chế, chính sách ưu đãi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Khu KTTM xuyên biên giới chung.
Trên cơ sở đó, các đại biểu tập trung thảo luận, tham vấn mô hình Khu thương mại tự do, Khu phi thuế quan gắn với Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan, chuyển đổi các Khu công nghiệp sang Khu thương mại tự do.Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn CT-Strategies (CTS) Andrew Farrelly chia sẻ, hiện nay, các doanh nghiệp đang khẩn trương tìm kiếm các điểm đến để xây dựng hệ thống vận hành mới hoặc di dời hệ thống có sẵn.
Qua đó, Khu thương mại tự do là một tín hiệu rõ ràng của chính phủ hai nước trong việc tạo ra các cơ hội kinh doanh có thể tiếp cận nguồn lực dồi dào trong khu vực. Từ hội thảo lần này, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn CT-Strategies bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp và Chính phủ 2 nước đồng lòng bắt tay xây dựng Khu KTTM chung xuyên biên giới hiệu quả.Tổng Giám đốc Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị Lê Quang Nhật đề xuất, đối với hàng hóa nông sản (chuối, sắn củ tươi, lúa nếp, lúa tẻ,...) do cư dân biên giới (các huyện Sepon, huyện Mường Noòng, tỉnh Savannakhet) đưa từ Khu Thương mại biên giới Densavan qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo vào tiêu thụ tại Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.
Đề nghị cho phép phương tiện vận tải hàng hóa, vận tải hành khách từ Việt Nam được vào Khu Thương mại biên giới Densavan để vận chuyển hàng hóa, hành khách về Việt Nam (không chịu quy định ràng buộc của Bộ Giao thông Vận tải Lào). Đề xuất sớm quy hoạch chi tiết Khu Thương mại biên giới Densavan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nghiên cứu triển khai các dự án kho bãi, chế biến nông, lâm sản tại Khu Thương mại biên giới Densavan...Đại diện Công ty TNHH Nhà máy nhiệt điện Xekong (XPPL), Tập đoàn Phonesax (Lào) giới thiệu dự án sản xuất, khai thác than tại huyện Kaleum, tỉnh Sekong (Lào).
Theo đó, từ năm 2024, XPPL có kế hoạch xuất khẩu 20-25 triệu tấn than mỗi năm. Có 9 mỏ than có trữ lượng khai thác lớn, hiện nay mới chỉ tiến hành khai thác 2 mỏ than đá để xuất khẩu. Theo nhận định của doanh nghiệp, cửa ngõ nguyên tắc xuất khẩu than vào Việt Nam hiện nay là Cửa khẩu quốc tế La Lay, huyện Samoy, tỉnh Salavan bằng đường R1 và R15 xuyên Việt Nam. Cảng biển đến là cảng Hòn La, Thuận An và Chân Mây, tương lai là cảng Mỹ Thủy.
Doanh nghiệp đề xuất chính quyền tỉnh Savannakhet và tỉnh Quảng Trị hỗ trợ vận chuyển than qua biên giới Dansavanh, Lao Bảo. Đề nghị chính quyền tỉnh Savannakhet và tỉnh Quảng Trị tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển than đi qua hai tỉnh. Đồng thời đề xuất hải quan cửa khẩu Densavan và Lao Bảo có chính sách và ưu tiên về phí, lệ phí và thủ tục vận chuyển than về Việt Nam hiệu quả và nhanh nhất. Đề xuất chính quyền tỉnh Savannakhet chấp thuận cho phép công ty xây dựng kho trung chuyển tại khu thương mại cửa khẩu Densavan với chính sách đặc biệt về giá thuê đất, xây dựng...Từ các ý kiến tham gia tại phiên tham vấn đã đề xuất các nội dung cụ thể như: mô hình hoạt động trong việc thành lập khu kinh tế, bổ sung các nguồn kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách xúc tiến bao gồm cả lộ trình thực hiện. Các ý kiến đề xuất cần phải lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để sửa đổi cho phù hợp với quy định, chính sách của hai nước.
Cũng trong buổi sáng, gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước đã khảo sát thực tế tại Khu Thương mại biên giới Densavan và khu vực Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Tổ công tác 626 của tỉnh Quảng Trị và Tổ công tác 1626 của tỉnh Savannakhet phối hợp với Công ty Tư vấn CTS của Hoa Kỳ đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia của cộng đồng doanh nghiệp đề xuất các cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, rào cản trong đầu tư của doanh nghiệp vào hai khu kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh, đi lại trong phạm vi Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)