Các hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước hồ không đảm bảo.
Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương vừa có báo cáo về lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên cả nước. Theo đó, cơ quan này cho biết lưu lượng nước về các hồ tăng nhẹ so với ngày 7/6 nhưng vẫn ở mức rất thấp.
Mực nước các hồ khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ thấp, một số hồ xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết. Hiện, lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về, một số nhà máy phải dừng để đảm bảo an toàn cho tổ máy.
Cụ thể, có 9 hồ thủy điện ở mực nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ, Trị An. Và 11 nhà máy thủy điện phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước hồ không đảm bảo như: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong.
Tại khu vực miền Bắc, các hồ thủy điện lưu lượng về hồ thấp, dao động nhẹ so với ngày hôm qua: Hồ Lai Châu: 102 m³/s; Hồ Sơn La: 118 m³/s; Hồ Hòa Bình: 311 m³/s; Hồ Thác Bà: 76m³/s; Hồ Tuyên Quang: 110 m³/s; Hồ Bản Chát: 11 m³/s. Trừ hồ Hòa Bình, mực nước các hồ ở mực nước chết.Tương tự, tại khu vực Bắc Trung bộ, các hồ thủy điện lưu lượng nước cũng về hồ thấp, giảm nhẹ so với ngày hôm qua, chẳng hạn như Hồ Trung Sơn: 81 m³/s; Hồ Bản Vẽ: 38 m³/s; Hồ Hủa Na: 45 m³/s; Hồ Bình Điền: 7 m³/s; Hồ Hương Điền: 16 m³/s.
Tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc nêu trên sẽ ở mức 5.000 MW và có thể lên đến 7.000 MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết. Như vậy, tính đến ngày 6/6, công suất khả dụng của thủy điện là 3.110 MW chỉ đạt 23,7% công suất lắp.
Việc không thể huy động được nguồn điện từ các thủy điện đã ảnh hưởng tới việc quản lý, vận hành hệ thống điện và cung cấp điện cho sinh hoạt của người dân, cũng như sản xuất của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, theo Zing.
Thủ tướng yêu cầu thanh tra về quản lý và cung ứng điện của EVNĐỌC NGAY
Trước tình hình có khả năng ảnh hưởng đến an toàn vận hành hệ thống điện, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết trong những ngày vừa qua EVN đã phải tiến hành điều tiết giảm phụ tải tại miền Bắc, ngày 5/6 tổng công suất phụ tải tiết giảm là 3.609 MW lúc 16h30, trong đó tiết giảm phụ tải công nghiệp lớn nhất khoảng 1.423 MW, tiết giảm phụ tải sinh hoạt lớn nhất là 1.264 MW.
Trước đó, chiều 7/6, thông tin về tình hình cung ứng điện, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết, hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày.
Việc cung ứng điện cho các khu vực miền Nam, miền Trung nhìn chung sẽ được đảm bảo do có nhiều nguồn điện, hơn nữa hiện nay khu vực Nam Bộ đã bước vào mùa mưa, phụ tải sẽ giảm và nguồn nước về các hồ thủy điện sẽ được cải thiện.
Trong khi đó, các đơn vị có trách nhiệm đã thực hiện một số giải pháp cấp bách nhưng đến nay đã xuất hiện những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm cung ứng đủ điện trong thời gian tới ở miền Bắc (với đặc trưng là nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng lớn 43,6%), theo vietnamfinance.vn.
"Tính đến ngày 6/6, hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã về mức nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà. Riêng hai hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy xuống dưới mực nước chết. Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12-13/06.
Tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc nêu trên sẽ ở mức 5.000 MW và có thể lên đến 7.000MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết. Như vậy, tính đến ngày 6/6/2023, công suất khả dụng của thủy điện là 3.110 MW chỉ đạt 23,7% công suất lắp", lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực nêu.
(Nguồn: Phụ nữ mới)