Bị can Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC Hà Nội) cùng 9 người bị cáo buộc nâng khống 1 số thiết bị y tế phục vụ chữa trị COVID-19. Nhưng thổi giá thiết bị y tế không chỉ ở CDC Hà Nội.
Ông Nguyễn Nhật Cảm bị đề nghị truy tố tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3, Điều 222, Bộ Luật hình sự 2015. Các cơ quan tố tụng sẽ làm sáng tỏ các hành vi vi phạm, chúng ta chờ đợi một bản án công minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Nhưng vụ án mở ra cho chúng ta một góc nhìn về loại tội phạm trong ngành y tế, đó là nâng khống, thổi giá thiết bị y tế để các nhóm lợi ích chia nhau.
CDC Hà Nội mua máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 7 tỉ đồng, gấp 3 lần giá nhập. Theo cơ quan điều tra, tổng số các thiết bị y tế mua là hơn 4 tỉ đồng, được nâng khống thành hơn 9 tỉ đồng. Theo đó, số tiền Nhà nước bị thiệt hại là hơn 5 tỉ đồng.
Nhưng không chỉ CDC Hà Nội, cùng thời điểm, thanh tra tỉnh Quảng Nam công bố kết luận thanh tra và chỉ ra nhiều sai phạm trong gói thầu mua máy xét nghiệm Real-time PCR tự động với giá 7,2 tỉ đồng.
Rất may cho các vị ở tỉnh Quảng Nam, chưa xảy ra thiệt hại do hệ thống máy đang trong quá trình vận hành thử nghiệm, chưa nghiệm thu thanh toán. Nếu như không "bể" vụ CDC Hà Nội, thì không chừng cái máy ở Quảng Nam cũng "lọt".
Và sẽ lọt nhiều nơi khác.
Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa chỉ định thầu với mức giá hơn 4,5 tỉ đồng gồm hệ thống realtime PCR tự động giá 3,796 tỉ đồng, bộ hóa chất tách chiết gần 800 triệu đồng. Sau đó bị phát hiện những thiếu sót trong quá trình mua máy xét nghiệm.
Chỉ vài cái máy xét nghiệm khi xảy ra dịch COVID-19 đã cho thấy sơ sẩy là mất cả đống tiền, vậy thì suốt năm này qua năm khác, ngành y tế mua sắm, nhập về biết bao nhiêu thiết bị y tế khác, bao nhiêu trong đó là giá thật, bao nhiêu là thổi giá.
Có những thiết bị được nâng khống để chia nhau như vụ CDC Hà Nội, ngoài ra còn có những vụ nâng khống để qua đó "chặt chém" bệnh nhân.
Ví dụ như, nâng giá robot Rosa, robot Mako cũng bị "thổi giá" trước khi đưa vào Bệnh viện Bạch Mai. Riêng robot Mako được nâng giá lên 20 tỉ. Vì nâng giá khống, bệnh nhân phải đóng tiền gấp 5 lần khi sử dụng dịch vụ robot Rosa, số tiền họ phải chi trả mỗi lần là 23 triệu đồng.
Tổng vốn đầu tư trang thiết bị y tế trong năm 2010 là 515 triệu đô đã tăng lên 950 triệu đô vào năm 2016, đến năm 2019 đã tăng lên 1,68 tỉ đô. Năm 2020 chắc chắn sẽ tăng cao hơn, nếu như không kiểm soát được việc đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế trong các cơ sở y tế công, để cho các nhóm lợi ích thổi giá chia nhau, thì số tiền thất thoát sẽ rất lớn mà vụ CDC Hà Nội chỉ là "muỗi".
(Nguồn: Báo Lao Động)