Người dân cần chú ý thời hạn thẻ căn cước công dân và nhanh chóng đi đổi khi hết hạn.
Thời hạn của thẻ căn cước công dân
Không giống như chứng minh nhân dân có thời hạn sử dụng là 15 năm kể từ ngày cấp, cấp đổi, cấp lại thì căn cước công dân có thời hạn sử dụng theo độ tuổi.
Thẻ căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Như vậy, có 3 mốc tuổi phải đổi thẻ căn cước công dân là: Đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Nếu người dân không thể nhớ chính xác được 3 mốc này thì cần lưu ý, mặt trước của thẻ căn cước công dân có ghi thời hạn sử dụng của căn cước công dân. Người dân có thể xem tại thẻ để biết thời điểm cần đi đổi căn cước công dân.
Tuy nhiên, theo quy định Khoản 2 Điều 21 Luật Căn cước công dân, trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Điều này có nghĩa là nếu căn cước công dân đã được cấp/đổi/cấp lại khi công dân đủ 23 tuổi, đủ 38 tuổi, đủ 58 tuổi thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo mà không phải đổi ở mốc 25, 40 và 60 tuổi.
Thủ tục đổi Căn cước công dân hết hạn
Thủ tục này được thực hiện qua những bước sau:
Bước 1: Công dân điền vào Tờ khai căn cước công dân hoặc in Tờ khai căn cước công dân mà công dân đã kê khai trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến để công dân kiểm tra lại thông tin, ký, ghi rõ họ, chữ đệm và tên.
Bước 2:
- Trường hợp Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đi vào vận hành thì công dân xuất trình số hộ khẩu. Trường hợp thông tin trên số hộ khẩu chưa đầy đủ hoặc không thống nhất với thông tin công dân khai trên Tờ khai Căn cước công dân thì yêu cầu công dân xuất trình Giấy khai sinh hoặc các giấy tờ hợp pháp khác về những thông tin cần ghi trong Tờ khai Căn cước công dân;
- Nộp lại thẻ Căn cước công dân;
- Cán bộ tiếp công dân đối chiếu thông tin trên Tờ khai căn cước công dân với thông tin trên các giấy tờ công dân xuất trình. Nếu thông tin kê khai không đúng quy định thì hướng dẫn công dân kê khai lại Tờ khai căn cước công dân.
Nếu thông tin kê khai đúng quy định thì tập hợp thành hồ sơ và thực hiện tiếp các bước sau:
+ Thu nhận vân tay của công dân: Thu nhận vân tay chụm của 4 ngón bàn tay phải; vân tay chụm của 4 ngón bàn tay trái; vân tay của 2 ngón cái.
Trường hợp nếu không thu nhận được đủ 10 vân tay của công dân thì mô tả và nhập thông tin về tình trạng vân tay không thu nhận được;
+ Chụp ảnh chân dung của công dân;
+ In Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân, chuyển cho công dân kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên và cán bộ thu nhận thông tin kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên.
Bước 3: Cán bộ cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục.
Bước 4: Nhận kết quả tại nơi tiếp nhận hồ sơ hoặc trả qua đường bưu điện.
Lưu ý, theo Thông tư 59/2019/TT-BTC, khi người dân đổi thẻ Căn cước thuộc trường hợp đến tuổi phải đổi thì không phải nộp lệ phí.
(Nguồn: Báo Lao Động)