Triệu Phong chủ động triển khai phòng, chống bão lũ

Xuân Vinh |

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa mưa bão năm 2022 sẽ xuất hiện khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 4 - 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.

Theo đó, mùa mưa bão năm 2022, trên các sông ở Quảng Trị có khả năng xuất hiện các đợt lũ, trong đó đỉnh lũ tại hạ lưu các sông ở mức báo động 2, 3, có sông trên báo động 3. Trên các sông suối ở vùng thượng lưu có khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất.

Để ứng phó hiệu quả với mùa mưa bão năm nay, UBND huyện Triệu Phong chú trọng kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) của các cấp, ngành trong huyện, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về PCTT. UBND xã, thị trấn, ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương xây dựng kế hoạch theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của thiên tai để chủ động trong thu hoạch vụ hè thu và tổ chức việc phòng, chống, cứu hộ, cứu nạn cụ thể khi bão lũ xảy ra.

Huyện thực hiện phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính” để hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhân dân. Để tránh bị động, bất ngờ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Triệu Phong thành lập đội xung kích 30 người, trong đó Công an huyện 10 người, Ban CHQS huyện 10 người, thị trấn Ái Tử 10 người được trang bị đầy đủ áo phao, loa cầm tay, lương thực, thực phẩm dự phòng. Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với Văn phòng HĐNDUBND huyện chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật chất cần thiết phục vụ cho việc ứng cứu người dân và các hoạt động chỉ đạo của lãnh đạo UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện trong bão lũ.

UBND xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện kiện toàn ban chỉ huy PCTT&TKCN của đơn vị mình. Trong đó, UBND cấp xã, HTX tổ chức lực lượng xung kích với số lượng từ 30 - 50 người, được trang bị đầy đủ dụng cụ hộ đê và phương tiện cần thiết sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh hoặc sự cố xảy ra.
Huyện Triệu Phong chú trọng bảo vệ an toàn tuyến kênh thủy lợi đi qua địa bàn trong mùa mưa lũ - Ảnh: X.V
Huyện Triệu Phong chú trọng bảo vệ an toàn tuyến kênh thủy lợi đi qua địa bàn trong mùa mưa lũ - Ảnh: X.V
Do đặc điểm địa hình có nhiều sông, hói, thấp trũng nên các xã chuẩn bị huy động đảm bảo số lượng thuyền máy, thuyền chèo, áo phao, phao cứu sinh, loa cầm tay và lực lượng xung kích mỗi xã, thị trấn 20 người, mỗi thôn, tiểu khu 10 người có đủ sức khoẻ và bơi lội giỏi để kịp thời ứng cứu tính mạng, tài sản của Nhân dân. Ngoài việc ứng cứu tại chỗ và các vị trí được phân công, UBND xã, thị trấn sẵn sàng phương án tham gia ứng cứu cho các xã khác khi có lệnh điều động.

Đặc biệt, để bảo vệ công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, UBND huyện Triệu Phong phối hợp với Xí nghiệp thủy nông Nam Thạch Hãn bảo vệ an toàn tuyến kênh chính. Cùng với đó, Xí nghiệp thủy nông Nam Thạch Hãn chủ động “4 tại chỗ” để phòng, chống lụt bão. Nhằm hỗ trợ bảo vệ các công trình thủy lợi, UBND xã chủ động huy động đủ số lượng nhân lực và trang bị cần thiết như cuốc, xẻng, quang gánh sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh điều động.

Đối với công tác bảo vệ hai hồ Triệu Thượng I và Triệu Thượng II, UBND huyện Triệu Phong giao UBND xã Triệu Thượng phối hợp với Xí nghiệp thủy nông Nam Thạch Hãn chịu trách nhiệm bảo vệ an toàn trong mùa mưa lũ. Hồ chứa nước Bà Huyện, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện giao trách nhiệm cho UBND xã Triệu Ái chủ động lập kế hoạch, tổ chức lực lượng xung kích tại chỗ, ứng cứu khi có sự cố trong mùa mưa bão.

Bên cạnh đó, UBND huyện Triệu Phong cũng đã có phương án bảo vệ các tuyến đê cát, kênh tiêu úng ở các xã vùng cát để tránh thiệt hại do bão lũ xảy ra. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn huyện có kế hoạch thi công hoàn thành các hạng mục cần thiết theo điểm dừng kỹ thuật trước ngày 31/8/2022 để tránh thiệt hại do lũ lụt gây ra.

Khi bão lũ xảy ra, qua hệ thống loa truyền thanh, UBND xã, thị trấn kịp thời thông báo tình hình cụ thể cho Nhân dân biết để ứng phó, đồng thời có phương án bảo vệ các công trình an toàn. Chỉ đạo người dân thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu trước ngày 31/8 với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Những xã nằm trong vùng xung yếu tăng cường công tác kiểm tra việc chuẩn bị trong Nhân dân để thực hiện tốt phương châm “cùng chung sống với lũ”. Các xã ven biển và cửa lạch phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Triệu Vân và ngành chức năng thông báo kịp thời diễn biến của bão, áp thấp và phạm vi ảnh hưởng cho tàu thuyền chủ động về nơi trú ẩn an toàn. Kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi khi có tin bão gần, bão xa nhưng có khả năng ảnh hưởng.

Đối với vùng hạ lưu hai bên bờ sông Thạch Hãn, các địa phương bố trí những khu đất cao, nhà cao tầng để di chuyển dân và gia súc, gia cầm khi có lũ lụt lớn. Người dân chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm nước sạch đủ dùng trong thời gian từ 10 - 15 ngày và có kế hoạch, phương án kê gác lương thực, giống, tài sản, gia súc, gia cầm lên cao tránh bị thiệt hại do bão lũ gây ra.

Ngành điện lực chủ động kiểm tra tu sửa lưới điện trong địa phương trước mùa mưa lũ, phát quang hành lang an toàn, kiểm tra xà sứ, dây néo, hệ thống chống sét cho công trình. Phòng Giáo dục và Đào tạo kiểm tra cơ sở, tài sản trường học để có phương án PCTT&TKCN đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. UBND xã, thị trấn chủ động triển khai phương án PCTT&TKCN của đơn vị mình, đặc biệt quan tâm đến biện pháp phòng, chống bão trong dân cũng như xây dựng kế hoạch khắc phục hậu quả và xử lý môi trường khi xảy ra lụt bão để sớm ổn định cuộc sống cho người dân.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nỗ lực xây dựng nhà ở an toàn để phòng tránh thiên tai cho người dân

Khánh Ngọc |

Theo thống kê, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có 1.436 nhà ở trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, trong đó số lượng nhà ở có nguy cơ mất an toàn là 969 nhà. Những năm qua, địa phương đã nỗ lực ưu tiên bố trí ổn định dân cư để phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, đồng thời cũng là giải pháp để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Trên 1,7 tỉ đồng cải tạo trường học để phòng chống thiên tai

Kăn Sương |

 

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành quyết định phê duyệt dự án “Cải tạo trường học để phòng chống thiên tai năm 2022 tại tỉnh Quảng Trị” do Đại sứ quán Ai-len tại Việt Nam tài trợ.

'Từ nay đến cuối năm 2022 thiên tai sẽ rất dồn dập, khó lường'

Hùng Võ |

Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, từ nay đến cuối năm, thiên tai sẽ rất dồn dập. Do vậy, các địa phương cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.

Thiên tai trong năm 2022 diễn biến phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021

Thắng Trung |

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 31/5, Việt Nam đã chịu ảnh của 49 trận mưa lớn; 15 trận mưa dông, lốc, sét; 13 vụ sạt lở bờ sông; 17 trận động đất.