Theo thống kê, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có 1.436 nhà ở trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, trong đó số lượng nhà ở có nguy cơ mất an toàn là 969 nhà. Những năm qua, địa phương đã nỗ lực ưu tiên bố trí ổn định dân cư để phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, đồng thời cũng là giải pháp để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Năm 2020, trên địa bàn huyện Hướng Hóa xảy ra sạt lở đất tại các xã Hướng Lập, Hướng Sơn, Húc. Huyện đã hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho các hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, gồm: xã Hướng Sơn 45 hộ/77 khẩu, xã Hướng Lập 29 hộ/107 khẩu, xã Húc 19 hộ/87 khẩu. Các địa phương cũng đã tổ chức xây dựng nhà ở ổn định cuộc sống cho các hộ dân, mỗi hộ không thuộc khu vực biên giới được hỗ trợ 20 triệu đồng và hộ ở khu vực biên giới được hỗ trợ 30 triệu đồng theo Quyết định 1776 của Chính phủ.
Đối với chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết 165 của Chính phủ về hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng nề về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10/2020 trên địa bàn một số địa phương miền Trung và Tây Nguyên, toàn huyện xây dựng mới 51 nhà ở với tổng kinh phí 2.040 triệu đồng (mỗi nhà 40 triệu đồng) và hỗ trợ sửa chữa 28 nhà với tổng kinh phí 280 triệu đồng. Ngoài ra, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ 380 triệu đồng để sửa chữa, xây mới 7 nhà ở cho các hộ dân có nguy cơ mất an toàn tại xã Hướng Phùng. Các công trình nhà ở an toàn trên đã được triển khai cùng với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, đơn vị, các nhà từ thiện.
Tuy nhiên, việc xây dựng nhà ở chỉ phụ thuộc vào ngân sách nhà nước là khó thực hiện vì kinh phí hỗ trợ còn quá thấp. Năm 2021, được sự quan tâm của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hỗ trợ xây dựng 37 ngôi nhà phòng, chống lụt bão tại 6 xã: Hướng Sơn (7 nhà), Thanh (8 nhà), Thuận (4 nhà), Húc (9 nhà), Hướng Lập (6 nhà), Hướng Việt (3 nhà), mỗi nhà ở có trị giá 140 triệu đồng. Việc xây dựng nhà ở đã đảm bảo cho người dân có nhà ở an toàn trước mùa mưa bão, góp phần ổn định cuộc sống trong những năm tiếp theo.
Cùng với việc hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở theo Quyết định 1776 của Chính phủ, trên địa bàn huyện Hướng Hóa đang triển khai thực hiện dự án nông thôn mới làng Cuôi - Tri, xã Hướng Lập do Tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư. Mục tiêu dự án xây dựng mới 56 nhà sàn cho 56 hộ/271 khẩu; xây dựng điểm trường mầm non, trường tiểu học; cung cấp hệ thống nước sinh hoạt và điện chiếu sáng; san ủi 10 ha mặt bằng tạo điều kiện cho người dân làm ruộng; hỗ trợ mỗi hộ 20 kg gạo/tháng trong thời gian 3 năm đầu để ổn định cuộc sống; hỗ trợ 25 triệu đồng (tương đương giá một con bò giống) để phát triển sản xuất; hỗ trợ phương tiện vận chuyển nhà cửa, tài sản từ nơi ở cũ đến nơi ở mới.
Hiện tại Tập đoàn Sơn Hải đang san ủi mặt bằng và xây dựng điểm một số nhà mẫu để thực hiện dự án. Dự án Khu tái định cư Trăng - Tà Puồng, xã Hướng Việt do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 làm chủ đầu tư, hiện nay đã đầu tư san ủi mặt bằng, đầu tư đường giao thông hoàn thành với mục tiêu di dời 35 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét có điểm xây dựng nhà ở an toàn. UBND huyện Hướng Hóa đã phê duyệt danh sách 35 hộ dân thôn Trăng - Tà Puồng tham gia bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng lũ quét, lũ ống với tổng kinh phí hỗ trợ 1.050 triệu đồng, mỗi hộ được hỗ trợ 30 triệu đồng. Hiện UBND xã Hướng Việt đang vận động người dân di chuyển đến khu tái định cư để xây dựng nhà ở.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết, thực tế hiện nay, nhu cầu xây dựng nhà ở an toàn trước thiên tai trên địa bàn huyện là rất lớn. Tuy nhiên, các chương trình của nhà nước có mức hỗ trợ còn quá ít, do đó việc thực hiện xây dựng nhà ở an toàn trước thiên tai cho các hộ dân trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện nảy sinh quỹ đất bố trí để xây dựng nhà ở an toàn gặp khó khăn.
Việc xây dựng nhà ở an toàn cần xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ tại khu đất xây dựng nhà ở như công trình giao thông, điện, nước sinh hoạt và các công trình phúc lợi cho người dân đến nơi ở mới có các điều kiện đảm bảo ổn định cuộc sống. Thời gian tới, để tháo gỡ các vướng mắc khi xây dựng nhà ở an toàn trước thiên tai, địa phương kiến nghị cần phải đảm bảo an toàn dân sinh, ổn định sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội từng vùng, miền. Do đó, cần huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực để thực hiện với sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư trong việc xây dựng nhà ở an toàn. Phối hợp huy động nguồn lực từ các tổ chức và các nhà hảo tâm cùng tham gia hỗ trợ để xây dựng nhà ở an toàn trước thiên tai.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)