Vươn lên từ nguồn vốn tín dụng chính sách

Anh Vũ |

Từ một hộ nghèo với hai bàn tay trắng nhưng nhờ sự nỗ lực vượt khó cùng với sự “tiếp sức” từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, anh Lê Phước Hoàng ở thôn Lâm Lang 2, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) không những vươn lên thoát nghèo mà còn trở thành hộ giàu, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình kinh tế trang trại đa cây, đa con.

Trước đây, vợ chồng anh Hoàng vào tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu sinh sống. Bôn ba nơi đất khách quê người cả chục năm, dù nỗ lực cố gắng hết sức nhưng cuộc sống mưu sinh vẫn gặp không ít khó khăn. Năm 2003, anh quyết định trở về quê hương để chăm sóc cha mẹ già. Bán hết tài sản, nhà cửa ở Bà Rịa - Vũng Tàu cùng đồng vốn ít ỏi tích lũy được trong nhiều năm làm thuê ở xứ người để về quê trả nợ cho cha mẹ do ốm đau. Từ đây, vợ chồng anh Hoàng bắt đầu lại với con số không.

Gia đình thuộc diện hộ nghèo, không có việc làm, không thu nhập, nhà ở cũng không có, phải dựng một cái lều để ở tạm giữa rừng, không điện, không có nguồn nước sạch; con cái đang tuổi ăn học; thu nhập chính của hai vợ chồng anh là hái củi và đào cây cảnh bán kiếm sống qua ngày; muốn vay vốn tại các ngân hàng thương mại để đầu tư phát triển kinh tế cũng không được vì không có nhà cửa, không có tài sản thế chấp, thu nhập bấp bênh.
Anh Lê Phước Hoàng chăm sóc đàn bò của gia đình -Ảnh: ANH VŨ
Anh Lê Phước Hoàng chăm sóc đàn bò của gia đình -Ảnh: ANH VŨ
Đứng trước khó khăn và gần như bế tắc trong cuộc sống mưu sinh, vợ chồng anh Hoàng may mắn tiếp cận được nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Cam Lộ. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Hội Nông dân xã Cam Thủy và cán bộ Ngân hàng CSXH huyện, năm 2003 anh vay được nguồn vốn tín dụng ưu đãi với số tiền 3,5 triệu đồng.

Từ nguồn vốn này anh mua 2 con bò nái sinh sản. Nhờ tích cực chăm sóc, áp dụng kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi nên bò phát triển ổn định, sinh sản 3 năm 2 lứa; dần dần anh vừa gầy dựng đàn bò vừa bán dần để chuyển qua mua đất rừng sản xuất. Đến năm 2009, anh vay thêm 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo. Với số vốn có được cùng với sự trăn trở, suy nghĩ làm sao để phát triển kinh tế và hoàn trả khoản vay, anh quyết định đầu tư vào trồng cao su, tràm kết hợp chăn nuôi gà, cá để lấy ngắn nuôi dài. Thời điểm này, anh còn được vay thêm 8 triệu đồng từ chương trình cho vay nhà ở hộ nghèo sửa sang lại nhà cửa để có nơi an cư lạc nghiệp.

Từ một hộ nghèo nhưng với ý chí và lòng quyết tâm vươn lên, cuộc sống của gia đình anh Hoàng bước đầu vượt qua được giai đoạn khó khăn và dần ổn định. Bằng việc phát triển mô hình kinh tế trang trại đa cây, đa con, lấy ngắn nuôi dài, anh Hoàng xây dựng nên một trang trại 5 ha cao su đã cho khai thác, 6 ha rừng tràm, 3 ha ao nuôi cá và hàng chục con bò lai sind, hàng trăm gia cầm. Từ năm 2015, gia đình anh Hoàng thoát khỏi hộ nghèo.

Anh Hoàng cho biết, tính từ năm 2003 đến năm 2019, tổng số tiền mà gia đình anh được vay từ Ngân hàng CSXH huyện lên đến 400 triệu đồng nhưng đến năm 2020 anh đã hoàn trả đầy đủ cả gốc lẫn lãi. Hiện nay, thu nhập từ mô hình kinh tế trang trại của anh mỗi năm hơn 500 triệu đồng.

Không chỉ vươn lên phát triển kinh tế từ nguồn vốn chính sách, các con anh cũng được tiếp cận nguồn vốn từ chương trình cho vay học sinh, sinh viên để học hành đến nơi, đến chốn. Con trai đầu sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề Lilama 2, với vốn kiến thức học được đã về hỗ trợ gia đình phát triển trang trại.

Con trai thứ hai tốt nghiệp ngành Nha khoa Trường Đại học Y Huế hiện đang công tác tại tỉnh Bình Dương. Con gái út tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế, tu nghiệp tại Israel và hiện đang công tác tại Công ty Vinasoy Quảng Ngãi.

Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Cam Lộ Nguyễn Xuân Ánh cho biết, anh Hoàng là một trong những hộ gia đình tiêu biểu về sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Trong quá trình sử dụng nguồn vốn gia đình anh luôn thực hiện tốt quy ước hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, trả lãi và tham gia tiết kiệm đầy đủ hàng tháng. Từ một hộ nghèo, kinh tế của gia đình anh nay đổi thay hoàn toàn nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách và sự nỗ lực vươn lên của vợ chồng anh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam thăm, làm việc tại tỉnh Quảng Trị

Trúc Phương |

Trong 2 ngày 16 – 17/7, Đoàn công tác của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam do Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam Dương Quyết Thắng làm trưởng đoàn đã làm việc với huyện Đakrông để đánh giá hiệu quả triển khai tín dụng chính sách về cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ - CP của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 78); viếng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 và Di tích lịch sử Thành Cổ Quảng Trị. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Đức Thắng tham dự làm việc.

3.000 tỉ đồng hỗ trợ cho vay phục hồi và phát triển KT-XH qua Ngân hàng Chính sách xã hội

TL |

Thời gian thực hiện hỗ trợ lãi suất là từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2023 hoặc khi Ngân hàng Chính sách xã hội thông báo kết thúc thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định tùy theo thời điểm nào đến trước.

Công bố Quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị

Hồng Hà |

Ngày 5/5/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam phối hợp Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Trị. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam, Trưởng Ban Đại diện HĐQT- NHCSXH tỉnh; Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam Nguyễn Thị Hằng; lãnh đạo các sở, ban ngành, Hội đoàn thể cấp tỉnh.

Cần hỗ trợ người dân thuộc diện bảo trợ an sinh xã hội tiếp cận dòng vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội

Đoàn Phương Nam |

Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 7/1/2021, các đại biểu thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã tham gia ý kiến. Sau đây là nội dung phát biểu của đại biểu tại diễn đàn Quốc hội.