Vướng mắc trong xử lý vi phạm của một số hàng hóa nhập lậu

Thanh Trúc |

Hiện nay, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong các chính sách xử lý hàng hóa vi phạm do quy định chưa rõ ràng, nhất quán, hoặc do cách hiểu chưa đúng, áp dụng pháp luật chưa thống nhất.

Khu vực nhà sinh hoạt văn hóa của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo hiện phải trưng dụng làm kho chứa gần 40 tấn đường cát nhập lậu là tang vật của nhiều vụ buôn lậu đường qua biên giới được bộ đội biên phòng bắt giữ trong thời gian qua. Số đường cát này đang trong quá trình chờ xử lý. Tuy nhiên, theo quy định, hồ sơ, quy trình xử lý hàng hóa nhập lậu từ khi bị bắt giữ đến khi hoàn tất thủ tục để thanh lý được là hơn 2 tháng.

Chưa kể có những mặt hàng nhập lậu vô chủ thì quá trình xử lý theo đúng thủ tục quy định kéo dài mất 1 năm, sau đó lực lượng chức năng mới được tịch thu hàng hóa để thanh lý. Trong khi đó, số lượng hàng hóa này nếu không có kho bãi bảo quản đảm bảo thì sẽ dễ bị hư hỏng, nhất là đối với mặt hàng đường cát.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo phải tận dụng khu vực sinh hoạt văn hóa để làm kho chứa mặt hàng đường nhập lậu trong khi chờ xử lý -Ảnh: T.T
Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo phải tận dụng khu vực sinh hoạt văn hóa để làm kho chứa mặt hàng đường nhập lậu trong khi chờ xử lý -Ảnh: T.T
Đại úy Nguyễn Hữu Vũ, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cho biết: “Trước những bất cập trong việc không có kho bãi đảm bảo để lưu giữ hàng nhập lậu chờ xử lý, đồn đã đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng kho bãi, đồng thời kiến nghị cần điều chỉnh rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục bán đấu giá đối với mặt hàng đường cát này để thuận tiện hơn cho lực lượng chức năng”.

Cũng theo đại úy Nguyễn Hữu Vũ, không chỉ riêng lực lượng biên phòng gặp khó khăn trong vấn đề kho bãi lưu giữ mặt hàng đường cát nhập lậu và các mặt hàng khác, mà các lực lượng khác như công an, hải quan cũng đang phải linh hoạt xử lý tình trạng này để giải quyết tạm thời chỗ lưu giữ hàng hóa trong khi chờ xử lý đúng quy trình.

Đáng nói là thời gian qua, do chênh lệch giá giữa đường cát sản xuất trong nước và đường cát Thái Lan nên hoạt động buôn lậu mặt hàng này diễn ra phức tạp, có dấu hiệu gia tăng. Thống kê cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã bắt giữ 243 tấn đường cát nhập lậu.

Theo đại diện Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, trong công tác tịch thu hàng hóa, tại mục b, điểm 4, khoản 65, Điều 1 của Luật số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2022 quy định, trường hợp không xác định được người vi phạm và đã thông báo 2 lần, hết thời hạn 1 năm nếu không có người nhận thì mới ra quyết định tịch thu. Chính vì vậy đã phát sinh khó khăn trong công tác lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và một số loại hàng hóa sẽ hư hỏng, hết hạn sử dụng như bia, đường...

Không chỉ khó khăn trong việc thiếu kho bãi lưu giữ, việc xử lý hàng lậu vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều mặt hàng như bia rượu, nước giải khát... để hoàn chỉnh các thủ tục phê duyệt phương án phải qua nhiều cơ quan, ban, ngành, nên thời gian này tương đối dài. Khi địa phương tổ chức bán đấu giá, có nhiều mặt hàng đã gần hết hạn sử dụng nên không có nhiều cá nhân, đơn vị mua hoặc nếu mua thì với số lượng ít, gây lãng phí tài sản nhà nước.

Theo quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 thì thuốc lá là hàng hoá gây hại cho sức khoẻ con người. Điểm a khoản 12 Điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc tiêu huỷ tang vật là hàng hoá, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hoá phẩm có nội dung độc hại đối với hành vi vi phạm quy định tại điều này”.

Trong khi đó, tại Điều 9 Thông tư 19/2015/TT-BTC ngày 3/2/2015 thì việc tiêu hủy thuốc lá được thực hiện hằng tháng, trường hợp số lượng thuốc lá bắt giữ lớn thì tổ chức tiêu hủy nhiều lần trong tháng. Như vậy, cùng một sản phẩm nhưng một văn bản quy định buộc tiêu hủy, một văn bản tiêu hủy hằng tháng nên chưa có sự thống nhất trong xử lý.

Một bất cập khác là theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, mặt hàng máy điều hòa nhiệt độ thuộc danh mục bắt buộc phải kiểm nghiệm trước khi lưu thông trên thị trường, chi phí kiểm nghiệm và các chi phí liên quan khá cao (khoảng 27 triệu đồng/cái). Trong khi đó, số lượng máy điều hòa bắt giữ mỗi vụ ít, thậm chí có những vụ chỉ 1 hoặc 2 cái nên chi phí kiểm định cao hơn tiền bán đấu giá.

Do đó, lượng máy điều hòa nhập lậu tồn kho do các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh bắt giữ đến tháng 5/2022 là 107 bộ, hiện vẫn chưa được xử lý. Giám đốc Sở Công thương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389/ ĐP tỉnh Lê Tiến Dũng cho biết: “Ban Chỉ đạo 389/ ĐP đã có văn bản đề nghị bộ, ngành trung ương kiến nghị sửa đổi điều khoản chưa phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong xử lý hàng hóa vi phạm. Đề nghị các cơ quan trung ương thuộc ngành dọc quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng kho bãi để lưu giữ hàng hóa vi phạm trong khi chờ xử lý theo quy định.

Hiện tại, chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung cho các cơ quan xử lý vi phạm hành chính để tra cứu đối tượng vi phạm nhằm xác định tình tiết liên quan nên cũng rất khó khăn trong thẩm tra, xác minh đối tượng vi phạm về xác định tình tiết vi phạm. Do đó, địa phương đề nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kiến nghị Bộ Tư pháp sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính để thuận tiện trong việc tra cứu”.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389/ĐP tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp, đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 61/KH-BCĐ ngày 22/3/2023 của Ban Chỉ đạo 389/ĐP về công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 196/ KH-BCĐ ngày 27/10/2023 của Ban Chỉ đạo 389/ ĐP về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa tỉnh Quảng Trị; Kế hoạch số 6112/KH-BCĐ ngày 31/12/2020 của Ban Chỉ đạo 389/ĐP về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng như các chuyên đề.

Đặc biệt là tập trung vào các kho bãi, đầu nậu trên tuyến biên giới, khu vực Lao Bảo, Tân Thành, Tân Long và tuyến Đường 9, Quốc lộ 1 với các mặt hàng như ma túy, pháo, đường, rượu bia, thuốc lá, gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm, dược phẩm, mỹ phẩm và vật tư thiết bị y tế, hàng điện tử, khoáng sản... Đồng thời tiếp tục đề nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề xuất đến các bộ, ngành liên quan có phương án xử lý các khó khăn chủ quan, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Thu giữ hàng ngàn hộp bánh nội địa Trung Quốc nghi nhập lậu

Đ.Khải |

Kiểm tra đầu mối phân phối bánh nội địa Trung Quốc, Cục QLTT Hà Nội phát hiện 1.300 thùng bánh nhập lậu. Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ qua thương mại điện tử.

Bị phạt 90 triệu đồng do kinh doanh rượu nhập lậu

Mai Lâm |

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với Nguyễn Hoàng Anh (sinh năm 1996), ở thôn Minh Hải, xã Thành Minh, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa vì kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Kiểm soát chặt việc nhập lậu iPhone 14 qua đường hàng không

Thanh Mai |

Tổng cục Hải quan yêu cầu kiểm soát chặt việc nhập lậu iPhone 14, đặc biệt là qua đường hàng không.

Phạt 55 triệu đồng và tịch thu 7 tấn đường cát trắng nhập lậu

Trường Nguyên |

Ngày 12/9, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lê Thị Như Ý (sinh năm 1981), trú tại Phường 5, TP. Đông Hà vì thực hiện hành vi kinh doanh hàng hóa nhậu lậu.