Xác thực sinh trắc học - giải pháp tối ưu để đảm bảo an toàn trong thanh toán trực tuyến

Hoài Nam |

 

Từ ngày 1/7/2024, Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 26/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước (Quyết định 2345) về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng chính thức có hiệu lực. Đây được xem là giải pháp công nghệ bảo vệ khách hàng tốt nhất trong bối cảnh lừa đảo trực tuyến ngày càng nhiều với các phương thức, thủ đoạn tinh vi. Tại Quảng Trị, những ngày đầu thực hiện quy định này, đa phần khách hàng đều hưởng ứng.

Theo Quyết định 2345, từ 1/7/2024, tất cả các ngân hàng, trung gian thanh toán sẽ phải áp dụng một chính sách chung đối với khách hàng cá nhân khi giao dịch trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng.

Khi thực hiện các giao dịch với số tiền được quy định như trên, ngân hàng buộc phải kiểm tra dấu hiệu sinh trắc học (khuôn mặt) của người thực hiện giao dịch đúng với khuôn mặt của chủ tài khoản đã được kiểm tra với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc trong căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử do Bộ Công an cấp.

Trước khi khách hàng cá nhân thực hiện giao dịch lần đầu bằng ứng dụng mobile banking hoặc trước khi thực hiện giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị thực hiện giao dịch mobile banking lần gần nhất thì khách hàng bắt buộc phải xác thực lại dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học.

Thực hiện Quyết định 2345, ngày 17/6/2024, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã ban hành Công văn số 433/QTR-THKT về việc đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng; Công văn số 478/QTR-THKT ngày 28/6/2024 về việc báo cáo kết quả triển khai Quyết định 2345, yêu cầu công việc cụ thể để các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Trị yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng trên địa bàn phải triển khai gấp rút, quyết liệt với tinh thần quyết tâm ngăn chặn các hình thức lừa đảo, bảo vệ an toàn tài khoản ngân hàng và người dân, doanh nghiệp. Nhờ đó, các ngân hàng trên địa bàn đã chủ động triển khai sớm bằng hình thức gửi thông báo cho khách hàng qua email, tin nhắn SMS và trên ứng dụng di động; đề nghị khách hàng cập nhật hình ảnh khuôn mặt và CCCD gắn chip từ trước ngày 1/7 để tránh gián đoạn giao dịch.

Đến nay, toàn bộ các ngân hàng thương mại trên địa bàn đều đã tiến hành thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng thông qua CCCD có gắn chip bằng nhiều hình thức khác nhau, từ thu thập tại quầy, trên nền tảng ứng dụng mobile của ngân hàng đến trợ giúp tại nhà đối với trường hợp đặc biệt. Với khách hàng lớn, có giao dịch chuyển tiền thường xuyên trên 10 triệu đồng, các ngân hàng đều đã thu thập được đăng ký sinh trắc học.

Hiện một số ngân hàng đã có trên 70% tổng số khách hàng đăng ký sinh trắc học hoàn thành. Nhiều ngân hàng phải tăng cường làm việc ngày thứ Bảy để hỗ trợ người dân. Đa phần đối tượng cần hỗ trợ là người cao tuổi hoặc khách hàng không có tính năng NFC trên máy điện thoại. Vậy nhưng, vẫn có không ít người chưa thực hiện sinh trắc học vì nhiều lý do khác nhau như ít khi chuyển khoản số tiền trên 10 triệu đồng hay các thao tác để hoàn thiện việc sinh trắc học trên máy điện thoại quá khó nhưng lại ngại đến ngân hàng để được trợ giúp.

Hay nhiều khách hàng cho biết đã sử dụng khuôn mặt của mình để mở khóa điện thoại, đăng nhập tài khoản ngân hàng trên điện thoại cũng như xác thực khi chuyển tiền. Nhưng việc đăng ký khuôn mặt với điện thoại sẽ cho phép bất cứ ai truy cập điện thoại đều có quyền vào tài khoản ngân hàng của người dùng.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến người dùng có thể mất tiền khi bị chiếm đoạt quyền trên điện thoại hay nhấn vào các đường dẫn lạ. Việc xác thực sinh trắc học theo Quyết định số 2345 tạo ra những lớp bảo mật khác, hay việc xác thực khuôn mặt phải gắn với tài khoản ngân hàng của chính chủ trong điện thoại và chỉ khuôn mặt được xác thực đó mới chuyển tiền được.

Bảo mật trong thanh toán trực tuyến là mối quan tâm chung của nhiều người, nhất là trong bối cảnh gia tăng tình trạng lừa đảo như hiện nay. Chỉ tính riêng trong năm 2023, có gần 16.000 phản ánh lừa đảo qua mạng, gần 10.000 tỉ đồng bị chiếm đoạt. Theo các chuyên gia ngân hàng, thông qua sinh trắc học, tội phạm gần như không thể thực hiện việc giả mạo khách hàng. Mỗi giao dịch có giá trị lớn đều phải xác thực, nếu không do chính khách hàng thực hiện thì không chuyển tiền được.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Đồng cho biết: “Quyết định 2345 hướng tới bảo đảm người giao dịch ngân hàng trực tuyến là chính chủ, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng như phòng ngừa các vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.

Kể từ thời điểm áp dụng quy định này, thông tin người mở tài khoản phải khớp với thông tin trên CCCD do Bộ Công an cấp hoặc thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, loại bỏ tài khoản giả, không chính chủ, không hợp pháp. Qua đó, tổ chức tín dụng sẽ nhận biết, xác minh chính xác khách hàng trong quá trình thực hiện giao dịch thanh toán”.

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là các đối tượng lừa đảo giả danh công an, cán bộ thuế, tòa án hay nhiều lực lượng chức năng khác để gọi điện, thao túng tâm lý khiến nhiều người làm theo và chuyển tiền.

Điều này đồng nghĩa với việc xác thực sinh trắc học xong thì vẫn có thể bị lừa đảo. Do đó, hội sở chính các ngân hàng và Bộ Công an đã có sự liên thông để cảnh báo sớm đến người dân ngay từ khi nhập tài khoản chuyển tiền.

Ngành ngân hàng liên kết với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, thuộc Bộ Công an), có danh sách các tài khoản lừa đảo, hiển thị rõ tài khoản người nhận là tài khoản đang nằm trong diện nghi vấn lừa đảo, được xác thực bởi Bộ Công an và liên tục cập nhật, từ đó dừng ngay việc chuyển khoản để tránh rủi ro phát sinh.

Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 2345 là cần thiết, nhưng để đối phó với quy định mới này, các đối tượng tội phạm đã có những thay đổi về phương thức hoạt động. Do đó, để đảm bảo an toàn trong thanh toán trực tuyến, các ngân hàng cần đẩy mạnh tuyên truyền để tất cả khách hàng đều đăng ký sinh trắc học, đồng thời nâng cao cảnh giác, tìm hiểu, kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch.

Không chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản E-Banking, tải các ứng dụng/link/email theo yêu cầu của người lạ. Tuyệt đối không thực hiện các hành vi mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân. Cài đặt bảo mật 2 lớp và hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của bản thân, gia đình, bạn bè...trên mạng xã hội.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Bộ Y tế đề xuất bỏ quy định "mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh một hoặc hai con"

Thanh Mai |

Bộ Y tế đề xuất trao quyền tự quyết thời gian, khoảng cách sinh và số con cho các cặp vợ chồng, đảm bảo phù hợp điều kiện sức khỏe, thu nhập.

Phát hiện một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại Tịnh xá Ngọc Lộ

Anh Vũ |

Ngày 9/7, thông tin từ UBND thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) cho biết, địa phương đang làm thủ tục bàn giao cho người tạm

nuôi dưỡng một cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi tại Tịnh xá Ngọc Lộ.

Khai mạc triển lãm tranh “Hồi sinh”

Đức Việt |

Ngày 8/7, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị diễn ra lễ khai mạc triển lãm tranh “Hồi sinh” do Lotus Gallery và các công ty cổ phần: Sam Holdings, Đầu tư và Khoáng sản Vico Quảng Trị, Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy phối hợp tổ chức với sự hỗ trợ, điều phối của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh. Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng; Bí thư Thành ủy Đông Hà Lê Quang Chiến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến tham dự.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo hỗ trợ cài đặt sinh trắc học

Thanh Vũ |

 

Ngày 3/7, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo, gần đây xuất hiện hình thức lừa đảo hỗ trợ cài đặt sinh trắc học hay giả mạo nhân viên ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân trên địa bàn.