Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) cho biết, sau khi nhận được tin báo xuất hiện bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở xã Hiền Thành và Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), Chi cục cùng Trạm CN&TY huyện đã tiến hành kiểm tra.
Cụ thể, tại thôn Liêm Công Đông và Tân Trại Thượng, xã Hiền Thành có 40 con trâu, 36 con bò của 38 hộ dân bị bệnh với các triệu chứng như: sốt; có vết loét ở lưỡi, lợi, niêm mạc miệng; chảy nước bọt; một số con có hiện tượng sưng kẽ móng, chân què, đi lại khó khăn.
Theo các hộ dân, số trâu, bò bị bệnh từ ngày 30/8/2020, tuy nhiên, qua kiểm tra lâm sàng và bệnh tích, bước đầu Chi cục CN&TY nhận định trâu, bò bị bệnh từ ngày 25 – 27/8/2020. Trong đó, hơn 50% số trâu, bò bị bệnh không được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng (LMLM) vụ xuân 2020 do người chăn nuôi không chấp hành việc tiêm phòng cho trâu, bò theo quy định và hiện nay đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ sau tiêm phòng vắc xin vụ xuân 2020, môi trường ô nhiễm mầm bệnh nên trâu, bò mắc bệnh.
Còn tại thôn Tiên Mỹ II, xã Vĩnh Lâm, có 5 đàn gia cầm có độ tuổi từ 1 – 2 tháng của 5 hộ chăn nuôi bị bệnh với tổng đàn 3.205 con (gồm vịt 3.100 con, gà 80 con, ngan 25 con). Qua kiểm tra, đàn gia cầm bị bệnh có các triệu chứng: rụt cổ, thần kinh, nghẹo đầu, xác khô, gầy, thần kinh viêm mí mắt, phân trắng, đầu mặt tím tái, chết nhanh. Mổ khám phát hiện tim sưng, nhão; phổi xung huyết, viêm dính sát sườn; rìa gan nám; lách sưng.
Theo thông tin từ các hộ dân, đàn gia cầm bị bệnh từ ngày 22/8/2020 nhưng các hộ nuôi không báo cơ quan chức năng mà tự mua thuốc điều trị. Toàn bộ số gia cầm nói trên không được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm. Tính đến thời điểm kiểm tra đã chết 1.235 con gia cầm các loại.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Đào Văn An, ngay sau khi kiểm tra trực tiếp tại cơ sở, Chi cục CN&TY tỉnh và Trạm CN&TY đã triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định. Đồng thời lấy mẫu gửi xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh. Trạm CN&TY huyện triển khai cấp 800 liều vắc xin LMLM cho địa phương để tiêm phòng khẩn cấp bao vây phòng chống dịch cho đàn trâu, bò trên địa bàn. Cấp hóa chất tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại. Đồng thời, thông báo cho người dân biết tình hình để tham gia các hoạt động phòng chống dịch. Lập cam kết với các hộ có gia súc, gia cầm bị bệnh không mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm cho đến khi tình hình ổn định.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)