Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến ngày 30/6/2022, tổng giá trị giải ngân các nguồn vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 907,048 tỉ đồng, đạt 26,2% kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương cân đối giải ngân 617,441 tỉ đồng, đạt 36% kế hoạch HĐND tỉnh giao; nguồn vốn trung ương hỗ trợ giải ngân 289,607 tỉ đồng, đạt 16,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỉ lệ giải ngân giữa các nguồn vốn có sự chênh lệch khá lớn, nhiều dự án giải ngân chậm. Đáng chú ý, những dự án trọng điểm, kết nối, có tính liên vùng, thúc đẩy KT – XH phát triển nhanh, bền vững đều chưa được giải ngân.
Được biết, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan như: vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; thiếu hụt nghiêm trọng nguồn đất đắp và đất san nền; một số nhà thầu thi công cầm chừng do giá cả nguyên vật liệu có nhiều biến động, thay đổi chính sách và quy định của Nhà nước; một số chủ đầu tư, nhà thầu ngại thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh toán một lần.
Bên cạnh đó, do đặc thù của hoạt động đầu tư công phải tích lũy giá trị khối lượng thực hiện mới có thể giải ngân kế hoạch vốn nên những tháng đầu năm có một số dự án chưa có đủ khối lượng giải ngân. Quy trình thực hiện, giải ngân các dự án ODA phức tạp, kéo dài; một số chủ đầu tư xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với tiến độ triển khai thực hiện dự án; một số dự án phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, kéo dài thời gian thực hiện, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền nên chưa thể giải ngân nguồn vốn được giao.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm không chỉ ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà còn làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh và việc huy động các nguồn lực đầu tư xã hội; chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ theo kế hoạch vốn được giao cũng như đóng góp vào tăng trưởng và phục hồi nền kinh tế địa phương. Vì vậy, đòi hỏi các cấp, ngành cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2022; thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý đầu tư và xây dựng trong tất cả các khâu từ quy hoạch, kế hoạch, huy động vốn đầu tư đến công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức thực hiện, nghiệm thu đưa vào sử dụng và thanh, quyết toán.
Đối với dự án trọng điểm chưa được giải ngân, tại văn bản số 122/BC-UBND về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng yêu cầu: UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nút thắt quan trọng trong triển khai dự án; huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, phối hợp, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, thực hiện nhanh công tác bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai dự án.
Không được để tình trạng dự án chờ mặt bằng, nhất là các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh. Chủ động rà soát tình hình thực hiện của từng dự án trên địa bàn, từ đó phân nhóm vướng mắc để kịp thời giải quyết, tháo gỡ, nhất là các dự án của có tính kết nối, liên vùng. Lập danh mục dự án trọng điểm, phân công cụ thể lãnh đạo theo dõi, đôn đốc và trực tiếp chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)