Ai cũng cần phải... bơi

YÊN MÃ SƠN |

Các cháu cần học bơi để sinh tồn, thoát hiểm còn các nhà quản lý cũng nên “học bơi” theo cách của họ để có một nền giáo dục của tương lai.

Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…” khúc hát thời tiền chiến giờ không “vận” vào đôi lứa yêu nhau mà “vận” vào những đứa trẻ đuối nước lúc nghỉ hè…

Cứ đến thời điểm hè, học sinh có nhiều thời gian nghỉ ngơi và cùng với thời tiết nắng nóng, thiếu sân chơi, thiếu sự giám sát từ người lớn đã làm tình trạng đuối nước ở trẻ em tăng cao, trở thành một mối lo lớn cho mỗi gia đình và xã hội.

Những ao hồ, sông suối là nơi lý tưởng để các em giải nhiệt, vui chơi. Nhưng đại đa số các em không có kỹ năng phòng ngừa đuối nước; xử lý, sơ cứu khi bị đuối nước; ngoài ra thiếu sự quan tâm của người lớn cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho trẻ.

 
  Vụ 8 trẻ đuối nước tử vong ở Hòa Bình vào tháng 3.2019 làm cả nước rúng động

Mới đây thôi, ngày 24.6 sự tang thương như còn đâu đây khi 3 chị em trong một gia đình ở Thanh Châu, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình ra sông tắm, bị tụt xuống nơi nước sâu, cả 3 đều chết đuối. Mãi đến tối, khi gia đình không thấy 3 chị em về ăn cơm mới vội vã đi tìm thì sự việc đã muộn.

Cùng thời điểm trên, 3 học sinh cấp 3 ở huyện Thanh Chương, Nghệ An cũng chết đuối khi tắm trên sông Lam. Trong đó có 2 học sinh đang chuẩn bị làm thủ tục thi THPT quốc gia vào ngày hôm sau.

Trước đó vào tháng 3, vụ 8 trẻ đuối nước tử vong ở Hòa Bình đã làm cả nước rúng động. Đến nỗi Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã gửi công văn khẩn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, triển khai cơ quan chức năng có biện pháp phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng.

Rồi còn nữa, còn nữa những vụ đuối nước thương tâm tương tự…

Sự đau thương nối tiếp đau thương, từ đồng bằng đến miền núi; từ nông thôn đến thành thị, những vụ đuối nước ngày một nhiều hơn khi hè đến như một hồi chuông báo động, giục giã các cơ quan chức năng, phụ huynh, toàn xã hội phải “xắn tay áo lên” mà hành động.

“Xắn tay áo lên” mà hành động

Những mô hình dạy bơi miễn phí cho trẻ nông thôn ở các địa phương “nổi” lên như một sự khỏa lấp, nhưng… còn lâu mới giải quyết được ngọn ngành.

Song đó cũng là một tín hiệu thể hiện trách nhiệm của người quản lý trước thực trạng xã hội.

Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2015-2017, nước ta có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Con số này cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Tình trạng đuối nước thường xảy ra ở nông thôn, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phụ huynh lo làm ăn, ít có thời gian chăm sóc, giám sát con cái. Ở thành phố, trẻ em có nhiều sân chơi bổ ích, an toàn nhưng ở nông thôn, ngoài ao, hồ sông suối ra thì chẳng có nơi nào để giải trí. Vì "mẹ lên rẫy, em đến trường”, nhưng em không đến trường thì biết đi đâu, trở thành nỗi lo lắng cho nhiều phụ huynh.

Trước một mối lo chung, cùng với các ngành, tất cả vì trẻ em, để góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng, phòng tránh tai nạn thương tích, hạn chế nguy cơ đuối nước cho trẻ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Tỉnh đoàn Quảng Trị đã triển khai mở 73 lớp dạy bơi miễn phí thu hút hơn 1.700 trẻ tham gia.

 
 Học viên học bơi ở cơ sở Bơi lội Bảo An
 Đối với huyện miền núi Hướng Hóa, những bể bơi thông minh (bể bơi lắp ghép) của các tư nhân “mọc” lên để giải quyết nhu cầu giải nhiệt và học bơi của con trẻ như Bảo An, Quốc Cường.

Anh Hồng Quân chủ cơ sở Bơi lội Bảo An (khóm An Hà, TT Lao Bảo, Hướng Hóa) cho hay, có hơn 40 học viên đang tham gia khóa học tập bơi ở cơ sở. Các em không chỉ học bơi mà còn học những kỹ năng cứu hộ và giúp người khác cứu hộ để tránh rủi ro cho mình và tránh tình trạng các em cứu nhau và dẫn đến đuối nước nhiều em. Theo anh Quân, kế hoạch sắp tới cơ sở sẽ phối hợp tổ chức lớp học bơi miễn phí cho những trẻ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, những cơ sở này không thể “bao tiêu” bởi trên địa bàn số lượng trẻ không biết bơi còn rất nhiều, có nhiều em không có điều kiện theo khóa học.

 
Một tiết học bơi của Trường THCS Lao Bảo ở Trung tâm Bơi lội Quốc Cường 
 Theo ghi nhận, ngôi trường đầu tiên trên địa bàn miền núi Hướng Hóa đi tiên phong trong việc dạy môn bơi lội trong chương trình dạy thể dục là Trường Trung học cơ sở Lao Bảo. Các học sinh khối 6 ở đây thay vì học chạy xa, cầu lông… thì học bơi lội.

Theo ông Trần Ngọc Định, Hiệu trưởng Trường THCS Lao Bảo, trong năm học 2018 – 2019, nhà trường đã xây dựng chương trình dạy học Thể dục với nội dung tự chọn môn Bơi cho học sinh lớp 6 (với số lượng 252 học sinh) nhằm trang bị cho học sinh một số hiểu biết về môn bơi lội và thực hiện được cơ bản kỹ thuật bơi trườn sấp, phải biết nổi trên mặt nước và bơi ít nhất được 5m – 10m, hướng cho các em tăng cường tập luyện bơi lội trong hè để rèn luyện sức khoẻ và phòng chống đuối nước.

 
 

Nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Bể bơi Quốc Cường (ở khóm An Hà, TT Lao Bảo) để hợp đồng tổ chức dạy bơi cho trẻ em khối 6, kinh phí được xã hội hóa thông qua Hội cha mẹ học sinh.

Anh Vi Văn Quang, một phụ huynh có con học ở một trường trên địa bàn xã Tân Thành cho hay: “Kiến thức quan trọng, nhưng kỹ năng sinh tồn còn quan trọng hơn. Tôi mong muốn các trường khác trên địa bàn huyện nên lồng ghép môn bơi lội vào môn thể dục như Trường Trung học cơ sở Lao Bảo. Ít nhất khi rời ghế lớp 6, các em đã biết bơi thuần thục, phụ huynh sẽ yên tâm hơn”.

Hi vọng ước muốn giản đơn đó của hàng vạn phụ huynh đang “phôi thai” trong kế hoạch dài hơi của các nhà giáo dục.

Các cháu cần học bơi để sinh tồn, thoát hiểm còn các nhà quản lý cũng nên “học bơi” theo cách của họ để có một nền giáo dục của tương lai.

Nguy cơ hàng nghìn ha lúa khô hạn, cháy rừng

NHÓM PV |

Nắng nóng cao độ những ngày qua tại các tỉnh Bắc Trung Bộ gây nhiều khó khăn cho đời sống và sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Hàng nghìn hécta (ha) lúa và cây hoa màu đang chịu khô hạn nặng.

Đồng ý khảo sát, nghiên cứu đầu tư Sân tập golf và khu dịch vụ tại Đông Hà

TIẾN NHẤT |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản số 2626/UBND-VX về việc đồng ý chủ trương Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Xây dựng Tổng hợp Thuận An Group khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án: Sân tập golf và Khu dịch vụ hồ Trung Chỉ tại phường 5, TP. Đông Hà với thời hạn khảo sát 6 tháng, kể từ ngày 15/6/2019.