Nắng nóng cao độ những ngày qua tại các tỉnh Bắc Trung Bộ gây nhiều khó khăn cho đời sống và sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Hàng nghìn hécta (ha) lúa và cây hoa màu đang chịu khô hạn nặng.
Nắng nóng kéo dài, khô hạn khắp nơi
Ngày 18.6, ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống Thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế - cho biết, do ảnh hưởng của rìa nam rãnh thấp nối với áp thấp phía tây kết hợp gió mùa tây nam có cường độ trung bình nên Thừa Thiên Huế tiếp tục có nắng nóng trên diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ phổ biến 36-38 độ C, độ ẩm thấp nhất 45-55%. Từ ngày 21.6, nắng nóng gay gắt có khả năng xảy ra trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất 38-40 độ C.
Ông Hồ Sỹ Nguyên - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tỉnh Thừa Thiên-Huế - cho biết, hiện nguồn nước trên các sông, hồ đều thấp hơn trung bình hàng năm. Đặc biệt, tại đập ngăn mặn Cửa Lác, mực nước thấp hơn cùng kỳ các năm trước từ 0,4 đến 0,6m. Ông Nguyên cho hay, hàng trăm ha lúa, hoa màu đang phải chống chọi với khô hạn. Nếu tình hình này kéo dài sẽ rất khó khăn cho ngành nông nghiệp.
Thanh Hoá trong những ngày vừa qua xảy ra nắng nóng diện rộng, khiến cho hơn 500ha diện tích sản xuất lúa vụ thu bị thiếu nước. Nhiều diện tích lúa gieo sạ, mới cấy tại các địa phương đang trong tình trạng thiếu nước, khô hạn, nứt nẻ. Theo thông tin của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài trong vài ngày nữa, số diện tích bị hạn có thể sẽ lên đến hàng nghìn ha.
Nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua cũng khiến hơn 2.200ha lúa ở tỉnh Nghệ An gặp khô hạn, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển. Trong đó, huyện Hưng Nguyên có gần 1.000ha lúa bị hạn. Các xã bị nặng là Hưng Tây, Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc,… Huyện Đô Lương vụ này gieo, cấy trên 7.000ha lúa, thì hiện gần 1.000ha thiếu nước khiến lúa sinh trưởng kém, chậm đẻ nhánh. Theo Chi cục Thủy lợi Nghệ An, toàn tỉnh có 96 hồ chứa do doanh nghiệp quản lý mực nước đều thấp. Trong đó, 92 hồ mực nước chỉ đạt trên 50%. Riêng các hồ chứa do địa phương quản lý chỉ đạt từ 30-40% lượng nước, một số hồ đã cạn kiệt.
Tập trung cứu lúa
Trước tình hình khô hạn kéo dài, chính quyền các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ đang tập trung cao độ, sử dụng mọi biện pháp chống chọi với nắng nóng.
Theo ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, tỉnh đang chủ động thực hiện các biện pháp đối phó với hạn, mặn xâm nhập. Tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm, bám cơ sở, triển khai nhiều biện pháp đảm bảo tối đa nguồn nước tưới cho vụ hè thu năm 2019; hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Ngoài các diện tích không chủ động được nguồn nước ở vùng cát ven biển, vùng gò đồi, vùng cuối kênh, các địa phương đã chủ động chuyển đổi cây trồng hoặc không sản xuất. Đến thời điểm này, có 1.240 ha/25.817ha lúa hè thu năm 2019 thiếu nước tưới, nhiều diện tích trong số đó khô cháy.
Thừa Thiên-Huế yêu cầu các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện việc vận hành phát điện hợp lý và điều tiết, cấp nước cho hạ du trong mùa khô 2019 theo quy trình vận hành liên hồ đã được phê duyệt, chủ động điều chỉnh kế hoạch điều tiết trong trường hợp lưu lượng nước về hồ giảm và nắng nóng kéo dài.
Ông Lê Đức Giang – Giám đốc Sở NNPTNT Thanh Hoá - cho hay, trước tình hình nắng nóng gay gắt như hiện nay, để đảm bảo nguồn nước gieo cấy hết diện tích theo kế hoạch và chống hạn cho diện tích lúa mới gieo cấy, đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các HTX phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thủy nông thực hiện nghiêm túc các phương án tưới và chống hạn vụ mùa năm 2019 đã đề ra.
Công ty TNHH MTV Sông Chu, Chi nhánh thủy nông Tĩnh Gia đang đặt máy bơm dầu thực hiện bơm vét nước trong hồ, đẩy qua đập, với công suất 150 đến 170 m3/h; Thuê máy nạo vét lòng hồ để tạo độ sâu trữ nước, phục vụ công tác chống hạn. Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Hợi - Giám đốc chi nhánh thủy nông Tĩnh Gia (Công ty TNHH MTV Sông Chu) - cho biết: Do diện tích sản xuất nông nghiệp thiếu nước hiện nay chủ yếu do các hồ nhỏ đảm nhiệm tưới, trong khi mực nước tại các hồ này hầu hết đang trong tình trạng dưới mực nước chết, không đủ nguồn để bơm tưới. Vì vậy, nếu nắng nóng tiếp tục diễn ra trong vài ba ngày tới, các hồ này sẽ không còn nước để bơm, đơn vị thủy nông cũng đành “lực bất tòng tâm” chờ trời mưa mới có thể “giải cứu” được cho diện tích bị hạn hiện nay.
Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, tỉnh Nghệ An đang yêu cầu ngành Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các địa phương điều tiết nguồn nước, khuyến cáo nông dân chăm ra đồng bơm nước để “cứu” lúa.
Nghệ An, Hà Tĩnh cùng xảy ra cháy rừng trong đêm Tại Hà Tĩnh, khoảng 18h30 ngày 17.6, vụ cháy rừng thông đã xảy ra tại khu vực đồi Cụp Bắp thông thuộc phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh. Nhận được tin báo, lực lượng kiểm lâm, cảnh sát phòng cháy chữa cháy lực lượng tại chỗ được huy động hàng trăm người đi dập lửa cứu rừng. Tuy nhiên, do thời tiết khô nóng, gió lớn cộng với địa hình dốc nên việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Phải sau 3 giờ đồng hồ từ khi phát hiện, đám cháy mới được dập tắt. Tỉnh Nghệ An, vào khoảng 20h30 ngày 17.6, cũng xảy ra vụ cháy rừng thông tại núi Quyết (TP.Vinh). Nhận được tin báo, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Nghệ An đã huy động 5 xe cứu hỏa cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường, phối hợp với chính quyền và người dân địa phương tham gia dập lửa. Do thời tiết khô nóng, kèm gió lớn nên đám cháy lan nhanh, việc chữa cháy gặp khó khăn. Phải đến gần 23h cùng ngày, vụ cháy mới được khống chế.